Đầu tháng 5, về miền bãi ngang ven biển huyện Kim Sơn, gió biển mùa hè thổi ào ạt, dưới đầm tôm, quạt gió, sục khí tung bọt trắng xóa, trên bờ những ruộng dưa lê, dưa hấu bắt đầu vào vụ thu hoạch, hương thơm lan tỏa khắp không gian. Khác với năm ngoái, năm nay, dưa ở đây được mùa, được giá nên bà con hết sức phấn khởi.
Nông dân xã Kim Trung thu hoạch dưa lê. |
Mời chúng tôi thưởng thức miếng dưa lê thơm nức, ngọt lịm, chị Lê Thị Nga, xóm 3, xã Kim Trung cho biết: Để có được quả dưa giòn, ngon, ngọt trước hết phải chọn được giống tốt. Ở đây, chúng tôi không tự để giống mà luôn mua hạt giống F1 siêu ngọt như Phù Sa, Phú Điền, Ngân Huy… của các công ty sản xuất giống có uy tín, có thương hiệu. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc cũng rất đặc biệt, thay vì sử dụng phân vô cơ, đa phần bà con sử dụng phân hữu cơ như phân chuồng, rong, rêu để chăm bón cho cây. Ngoài ra, vị thơm ngon của dưa có được là nhờ đặc tính thổ nhưỡng đất đai đặc trưng ở vùng này.
Cũng theo chị Nga, năm nay thời tiết thuận lợi nên dưa phát triển tốt, 3 sào dưa nhà chị chỉ sau 3 tháng trồng sản lượng đạt hơn 20 tạ, với giá bán đầu mùa là 20 nghìn đồng/1kg, sau khi trừ chi phí gia đình chị dự tính sẽ có khoản thu nhập khoảng 25 triệu đồng.
Bên cạnh nhà chị Nga, gia đình chị Phạm Thị Thúy cũng đang tất bật chăm sóc 10 sào dưa đang sắp được thu hoạch của mình. Chị Thúy chia sẻ: nhà có 10 sào bãi ngoài đê Bình Minh 3, năm nào vụ này tôi cũng trồng dưa nhưng chọn thời điểm xuống giống lệch so với các hộ gia đình khác nhằm tránh thu hoạch ồ ạt cùng 1 lúc. Khác với năm ngoái, dưa bị úng, thối, sâu bệnh nhiều, ít quả, năng suất thấp, chất lượng quả kém, năm nay thời tiết thuận lợi, cây dưa phát triển khỏe mạnh, sai quả, quả to, đều. Dự kiến năng suất có thể đạt trên dưới 10 tạ/sào.
Theo những người nông dân trong vùng, trồng dưa không khó nhưng mất nhiều công chăm sóc. Vì vậy, hầu như ngày nào họ cũng phải ra đồng. Khi trồng, quan trọng nhất là khâu bấm ngọn, định hình dây và phải chú ý phòng trừ sâu bệnh cho cây. Các giống dưa thường hay mắc một số bệnh như vàng lá, bọ trắng. Vì vậy, cần liên tục kiểm tra để có hướng xử lý bệnh kịp thời. Ngoài ra, nông dân trồng dưa hiện nay đều rất ý thức về việc trồng dưa sạch, hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu để vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, vừa bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Trung thông tin: Toàn xã có khoảng 20 ha trồng dưa các loại, trong đó chủ yếu là cây dưa lê. Cây dưa trồng trên địa bàn xã mang lại giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác. Thời gian qua, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây ngắn ngày không hiệu quả sang trồng dưa; phối hợp cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa. Hướng phát triển trong thời gian tới sẽ vận động các hộ dân liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường và tìm đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất.
Được biết ở huyện Kim Sơn, dưa được trồng chủ yếu ở các xã ven biển như: Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, Kim Tân… và đây cũng là những vùng cho chất lượng dưa ngon nhất. Tổng diện tích trồng dưa toàn huyện lên tới hàng trăm héc ta. Có thể nói mô hình chuyển đổi diện tích trồng dưa trên địa bàn huyện đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nông dân.
Kết quả bước đầu từ các mô hình chuyển đổi dù rất khả quan nhưng chỉ là phát triển tự phát, thời gian tới, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như ngành chuyên môn để quy hoạch lại vùng trồng; quản lý giám sát chất lượng; quảng bá, phát triển thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá, giúp bà con tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu | Báo Ninh Bình
إرسال تعليق