ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Phấn đấu đưa cây dứa trở thành sản phẩm OCOP

Xác định dứa là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, năm 2021, xã Bạch Đằng (Hòa An, Cao Bằng) tích cực vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuẩn bị các điều kiện xây dựng thương hiệu cho cây dứa trở thành sản phẩm OCOP; phát triển vùng trồng dứa tập trung thành hàng hóa và tìm đầu ra sản phẩm ổn định.

trái cây Cao Bằng, đặc sản Cao Bằng, trái cây Đông Bắc, dứa trái vụ, dứa Bạch Đằng, dứa Hòa An, dứa Cao Bằng, dứa Đông Bắc, sản phẩm OCOP, trồng dứa, trồng thơm, trồng khóm
Nông dân xóm Khuổi Kép, xã Bạch Đằng (Hòa An) thu hoạch dứa.


Gia đình chị Vi Thị Thà, xóm Bản Sẳng là hộ trồng dứa lâu năm, vì vậy có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc dứa. Gia đình chị cải tạo đất đồi, đất bạc màu, ban đầu trồng quy mô nhỏ lẻ, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với trồng dứa, giá trị kinh tế đem lại cao nên gia đình đã mở rộng diện tích trồng dứa. Chị Thà chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi trồng gần 3 ha dứa, chủ yếu bán cho các thương lái tiêu thụ tại các địa bàn trong tỉnh. Giá dứa không ổn định, chính vụ được mùa giá rẻ, trái vụ bán được giá nhưng mất rất nhiều công chăm sóc. Nhưng so với một số cây trồng khác, dứa mang lại nguồn thu nhập đáng kể, từ trồng dứa, gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.


Xã Bạch Đằng hiện có trên 63 ha dứa, tập trung tại các xóm: Bản Sẳng, Nà Roác, Khuổi Kép với 130 hộ trồng. Từ trồng dứa, nhiều gia đình đạt thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Nông Ích Hoán cho biết: Dứa là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Hằng năm, xã phấn đấu tăng diện tích trồng dứa từ 3 - 5 ha.


Trong năm 2021, để đưa cây dứa thành sản phẩm OCOP, xã tập trung chỉ đạo các xóm tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình điểm về trồng dứa áp dụng khoa học kỹ thuật; thực hiện liên kết sản xuất, thành lập các nhóm, tổ hợp tác trồng dứa quy mô lớn; sử dụng hiệu quả các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.


Mặc dù dứa Bạch Đằng được thị trường đón nhận bởi chất lượng tốt, nhưng hiện nay cây dứa vẫn trồng theo quy mô hộ gia đình, chưa thành vùng sản xuất hàng hóa; giao thông đi lại vào các đồi dứa đã xuống cấp, thương lái không vào thu mua được, người dân tự lo đầu ra nên giá cả không ổn định. Thời gian tới, xã tiếp tục làm tốt quy hoạch vùng sản xuất; chuyển đổi diện tích đối với các cây trồng kém hiệu quả sang trồng dứa; khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng và chế biến sản phẩm từ dứa; huy động tối đa các nguồn lực tập trung sản xuất hàng hóa; nâng cao chất lượng sản phẩm; tuân thủ các điều kiện, quy trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP; nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

trái cây Cao Bằng, đặc sản Cao Bằng, trái cây Đông Bắc, dứa trái vụ, dứa Bạch Đằng, dứa Hòa An, dứa Cao Bằng, dứa Đông Bắc, sản phẩm OCOP, trồng dứa, trồng thơm, trồng khóm
Nông dân xóm Bản Sẳng, xã Bạch Đằng (Hòa An) chăm sóc dứa trái vụ.


Về phía người dân, muốn cây dứa đạt hiệu quả kinh tế cần tuân thủ các biện pháp trồng theo quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng cây, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Dứa tuy là cây chịu được hạn, có thể trồng ở những vùng đất khô cằn và đất dốc nhưng vẫn cần tưới nước để sinh trưởng và phát triển cho năng suất cao, chất lượng tốt. Tại các vùng đồi dốc, khi trồng dứa phải biết cách giữ ẩm cho cây bằng phương pháp phủ đất, trồng xen kẽ để chống xói mòn đất, góp phần làm tăng năng suất dứa. Ngoài ra, người dân nên dùng cỏ khô để phủ gốc, cung cấp thêm chất mùn cho đất.  


Đối với dứa sử dụng ăn tươi, bà con thu hoạch khi 1/3 quả đã chuyển sang màu vàng. Đối với dứa làm nguyên liệu cho chế biến đồ hộp, thời điểm thích hợp để thu hoạch là khi quả đã già, vỏ quả chuyển sang màu xanh nhạt và 2 hàng mắt ở phần gốc có kẽ mắt màu vàng, thịt quả màu vàng nhạt. Đối với dứa làm nguyên liệu cho chế biến nước dứa cô đặc cần thu hoạch khi 1/3 vỏ quả tính từ gốc chuyển màu vàng; trong các tháng ở vụ đông - xuân, bà con có thể thu hoạch quả chín hơn so với các tháng trong vụ hè. Trong quá trình thu hái, phải nhẹ tay, tránh bầm dập quả, gãy ngọn, gãy cuống…


Cây dứa tại xã Bạch Đằng đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Song, để cây dứa trở thành sản phẩm OCOP, người dân mong muốn các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng quan tâm đầu tư, hướng dẫn quy hoạch thành vùng sản xuất quy mô lớn; nâng cấp đường đến các khu vực trồng dứa; hướng dẫn kỹ thuật trồng, thâm canh cây dứa theo hướng VietGAP; khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng và chế biến sản phẩm từ dứa; huy động tối đa các nguồn lực tập trung sản xuất hàng hóa; nâng cao chất lượng sản phẩm; tuân thủ các điều kiện, quy trình về xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.


Đồng thời, quan tâm xây dựng thương hiệu cho dứa Bạch Đằng, từ đó, hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản có đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất, góp phần giảm nghèo tại địa phương.


Trồng dứa trên đất cằn cỗi, thu 40 tấn/ha | VTC16

Thái Hà | Báo Cao Bằng

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon