ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Bốn thập niên cho quả ngọt

Trải qua 4 thập niên thăng trầm, liệu Bắc Hà có còn cây mận “đời đầu” nào không? Tôi đã dành 2 năm đi tìm lời giải cho câu hỏi này, cuối cùng cũng có kết quả. Theo bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, trên địa bàn huyện hiện còn 2 cây mận được trồng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, có thể gọi đó là cây mận cổ được rồi. Sau khi gặp chủ nhân của 2 cây mận cổ, tôi được biết 1 cây đã chết, còn lại cây duy nhất tại thôn Na Áng B, xã Na Hối. Cây mận hiện được chủ vườn chăm sóc với tình yêu thương đặc biệt bởi nó đã đem lại hơn 40 mùa quả ngọt cho gia đình.

trái cây Lào Cai, đặc sản Lào Cai, trái cây Tây Bắc, mận tam hoa cổ, mận Tam hoa Tả Chải, mận Tam hoa Na Hối, mận Tam hoa Bản Phố, mận Tam hoa Thải Giàng Phố, mận Tam hoa Bắc Hà, mận Tam hoa Lào Cai, mận Tam hoa Tây Bắc, mận Tam hoa VietGAP, trồng mận tam hoa
Bà Xin Thị Húy hái những trái mận đầu mùa.


“Chứng nhân” của những thăng trầm


Anh Vàng Văn Phúc (sinh năm 1986), thôn Na Áng B, xã Na Hối, người được thừa kế vườn mận đang chăm sóc cây mận Tam hoa “cổ” như một thành viên “cao tuổi” trong gia đình. Anh Phúc đưa tôi ra thăm cây mận hơn cả tuổi mình và trải lòng về những kỷ niệm dưới tán mận già. Anh gợi ý tôi nói chuyện với mẹ anh để biết rõ hơn về thời điểm cây mận Tam hoa được gieo mầm xanh xuống đất.


Theo trí nhớ của bà Xin Thị Húy, hơn 80 tuổi, mẹ anh Vàng Văn Phúc, cây mận được trồng khoảng thời gian từ năm 1976 - 1978, khi đó bà là một trong những cán bộ chủ chốt của xã Na Hối được phát 2 cây mận Tam hoa. Bà trồng 2 cây vào 2 vị trí đất tốt nhất trong vườn, hằng ngày chăm sóc bằng cả tình yêu thương và hy vọng. Bà Húy là cán bộ xã, nên phải gương mẫu, chăm sóc tốt cho cây thì mới có cơ sở để tuyên truyền người dân làm theo. 3 năm sau, cây mận cho ra những lứa quả đầu tiên. Mận vụ đầu đã năng suất, ngon, ngọt, gia đình ăn không hết, bà còn đem ra chợ bán. Thấy cây mận dễ trồng, lại có thu nhập, bà Húy đã hướng dẫn nhiều hộ trong thôn cùng mua giống về trồng.


Đến khoảng năm 1985, mận Tam hoa được trồng đại trà tại Bắc Hà, diện tích được mở rộng nhanh chóng, hầu như nhà nào cũng có vườn mận vài chục cây, có lẽ cái tên “cao nguyên trắng” ra đời từ đó. Những năm đó, nhà bà Húy có 60 cây mận cho thu hoạch. Thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, mận Tam hoa trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao, tư thương nhộn nhịp về Bắc Hà thu mua mận. Bà Húy nhớ lại: Thời điểm đó, 1 bát phở Bắc Hà có giá chỉ 2.000 đồng nhưng gia đình tôi có vụ mận thu được 30 triệu đồng. 30 triệu đồng khi đó to lắm, vợ chồng tôi cầm số tiền ấy trong tay mà run run. Việc gia đình tôi bán mận được tiền cũng là cơ sở để người dân trong thôn mở rộng diện tích trồng mận.


Nhưng đến đầu những năm 2000, vì người dân ồ ạt trồng nên mận Tam hoa Bắc Hà rơi vào thời điểm “khủng hoảng”, rớt giá thảm hại, 200 đồng/kg cũng không ai mua. Không ít hộ cay đắng chặt bỏ nhiều diện tích mận để trồng cây khác. Gia đình bà Húy vẫn kiên trì với vườn mận, không chặt bỏ bất cứ cây nào, đó là lý do vì sao đến nay trong vườn còn 1 cây mận “đời đầu”, cây còn lại trong vườn đã chết vì già cỗi nhưng ở gốc của nó vẫn mọc lên những mầm xanh tươi mới.


Cây mận “đời đầu” ấy chính là “chứng nhân”, chứng kiến mận Tam hoa phát triển trên đất Bắc Hà như thế nào, mốc son thời kỳ hoàng kim của mận Tam hoa và cả những nỗi buồn của nhiều vườn mận. Song, có một điều đặc biệt là cho đến nay, mận Tam hoa Bắc Hà vẫn là loại quả ngon được người tiêu dùng ưa chuộng, khẳng định chất lượng mận Tam hoa trồng tại Bắc Hà vượt trội so với nhiều vùng khác, đã được công nhận nhãn hiệu tập thể và đang được xây dựng để trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.

trái cây Lào Cai, đặc sản Lào Cai, trái cây Tây Bắc, mận tam hoa cổ, mận Tam hoa Tả Chải, mận Tam hoa Na Hối, mận Tam hoa Bản Phố, mận Tam hoa Thải Giàng Phố, mận Tam hoa Bắc Hà, mận Tam hoa Lào Cai, mận Tam hoa Tây Bắc, mận Tam hoa VietGAP, trồng mận tam hoa
Cây mận Tam hoa trồng tại Bắc Hà vượt trội so với nhiều vùng khác, đã được công nhận nhãn hiệu tập thể và đang được xây dựng để trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.


Điều đặc biệt từ cây mận Tam hoa “cổ”


Cây mận Tam hoa cao niên nhất Bắc Hà thân xù xì, cổ thụ, tán vươn rộng ra một khoảnh vườn lớn, năm nay lại sai trĩu quả. Anh Vàng Văn Phúc lo lắng rằng vì bận quá nên không có thời gian hái tỉa, sợ quả sẽ không to. Thế mà ở những cành xanh mướt kia, những trái mận đầu mùa đang ngả màu, ngậm phấn, căng tròn. Quả mận ở cây này luôn ngon nhất vườn, có tiếng ở huyện, được trưng bày tại nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm của huyện. Anh Phúc cũng thấy lạ, “thân già mà trái không già”, quả mận của cây này có độ ngọt vượt trội, khi chín ăn giòn tan, dóc hạt, không còn chút vị đắng nào. Chính vì chất lượng quả ngon như vậy nên quả thu hoạch từ cây mận “cổ” năm nào cũng được giá, thường 80.000 đồng - 100.000 đồng/kg. Quả mận của cây này rất to, 3 quả có thể nặng 500 gram.


Năm nay đã hơn 40 tuổi, thân cây chia làm nhiều nhánh ngả ra các hướng khác nhau, gốc mận xù xì, in hằn vết tích của thời gian, cây mận cũng bị lũ sâu đục thân tấn công khiến gốc cây bị ăn rỗng thành một lỗ thủng to tướng. Thật kỳ lạ, ở một số đoạn rễ của cây lại chồi lên những cây mận mới, trái cũng ngọt như cây “đời đầu”. Anh Phúc dùng những thân chống bằng gỗ, làm giá chắc chắn cho những cành mận trĩu quả. Vụ này, mận lại sai cành, bất chấp tuổi già khiến nó phải oằn mình đỡ quả. Ngắt một quả mận đầu mùa, cắn một miếng, vị đã không còn chua nữa, chỉ rôn rốt, giòn cầng cậc, đúng vị mận chuẩn Bắc Hà.


Anh Vàng Văn Phúc chỉ vào gốc cây đang bị sâu đục thân ăn rỗng, cho tôi biết thêm một điều đặc biệt. Đó là cây mận sống nhờ vỏ, nghĩa là dù bị sâu ăn rỗng ruột, chỉ cần vỏ của thân cây còn thì cây mận vẫn phát triển. Anh Phúc dồn sức chăm sóc cây mận “cổ” với chế độ đặc biệt. Sau mỗi vụ thu hoạch, anh đốn tỉa những cành già cỗi để dành dinh dưỡng nuôi cành khỏe mạnh; bón phân đúng quy trình; phòng, trừ sâu đục thân và một số loại sâu hại khác.


Từ sự chăm sóc đặc biệt đó, cây mận “cổ” đã hơn 4 thập niên ra quả ngọt, mỗi vụ cây vẫn cho thu 40 - 50 kg quả. Vườn mận đã nuôi anh Phúc ăn học, lấy được vợ, giờ nuôi các con anh học hành đàng hoàng. Đã 3 thế hệ gia đình sống ổn định, hạnh phúc dưới tán mận, anh Phúc biết ơn vì điều đó. Anh Vàng Văn Phúc chia sẻ: Cách đây vài năm, có người trả giá cao lắm để mua cây mận cổ thụ của nhà tôi, nhưng tôi không bán. Lại có người hỏi cây mận già cỗi sao không chặt đi, nhường chỗ trồng cây mới, tôi không làm thế bởi nó như một thành viên gắn bó với 3 thế hệ, là người bạn đồng hành giúp gia đình tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.


Anh Phúc vẫn hằng ngày tham khảo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp về cách chăm sóc, bảo vệ cây mận “cổ” để cây sống khỏe theo thời gian, dù đó là điều không hề đơn giản. Rồi cây mận sẽ có lúc theo vòng tròn sinh - tử, nhưng những năm tháng tồn tại ở đất Bắc Hà, nó luôn xanh và cho những mùa quả ngọt nhất. Với gia đình anh Phúc, cây mận không chỉ là cây trồng đơn giản mà giống như một thành viên trong gia đình được các thành viên khác hết mực gắn bó, yêu thương.


Thăm quan vườn mận tam hoa bắc hà | Ngoạn TV

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon