Tận dụng đất trống, đất bờ bao vuông tôm, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã áp dụng mô hình trồng khóm. Phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, cây khóm không chỉ bén rễ và cho trái ngọt trên vùng đất mặn mà còn giúp người dân tăng thêm nguồn thu nhập. Với hiệu quả kinh tế khá, hiện mô hình này đang được người dân nhân rộng.
Trồng khóm trên vùng đất mặn mang lại thu nhập cho người dân |
Gia đình bà Nguyễn Thu Yên, ấp Chín Biện, xã Tam Giang Tây đã bén duyên với nghề trồng khóm hơn 5 năm nay. Từ việc trồng một vài bụi để phục vụ bữa ăn gia đình, đến nay, tất cả đất trống bờ bao vuông tôm được bà Yên tận dụng triệt để để trồng khóm, tăng thêm thu nhập. Chỉ tay về phía bờ khóm xanh tốt, đang cho trái, bà Yên khoe: “Bờ khóm chạy dài 10 công đất, bề ngang chừng hơn tằm đất mà mỗi vụ thu về 7, 8 triệu đồng cũng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, ăn uống trong nhà”.
Theo bà Yên, cây khóm rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư thấp lại ít xảy ra sâu bệnh. Cây khóm chịu phèn, mặn rất tốt nên rất phù hợp với vùng đất Ngọc Hiển. Trồng ở nơi đất có độ phèn, mặn càng cao thì trái khóm nặng ký và càng ngon, ngọt. Sau khi trồng được 1 năm thì cây khóm bắt đầu cho trái. Năm đầu giống khóm tơ ra 1 trái/cây, năm sau cây nảy ra nhiều nhánh hơn, nếu chăm sóc tốt mỗi cây ra từ 2 đến 3 trái. Hiện nay, thị trường đầu ra và giá bán khóm trái cũng khá ổn định, giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/trái.
Bà Yên bộc bạch: “Để khóm tốt trái nên trồng thưa chứ không nên trồng quá dày. Mỗi cây nên để từ 1 – 2 trái và tỉa bớt đi những nhánh phụ. Hơn nữa, mỗi vụ trồng cần vun thêm đất, phân để cây có sức cho trái vào những vụ sau”.
Giáp ranh với đất của bà Yên, bờ khóm của hộ ông Trịnh Hoàng Anh cũng đang bén rễ, chuẩn bị cho trái vụ đầu tiên. Ông Hoàng Anh cho biết, khóm giống được ông xin từ hộ của bà Yên và một số hộ ở trong ấp. Thấy bà con trồng hiệu quả ông cũng xin giống về trồng thử, vừa hạn chế cây cối, cỏ dại mọc trên bờ vuông, đỡ tốn công làm cỏ vừa kiếm thêm đồng vô đồng ra chi tiêu trong gia đình.
“So với các loại cây khác thì cây khóm dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều. Mình cũng có thể chủ động trong việc cho khóm ra trái. Những hộ gần đây trồng chủ yếu bán cho bà con vùng này bởi khóm ngon, ngọt, không phân thuốc nên bà con rất ưa chuộng, mình cũng không lo về đầu ra”, ông Hoàng Anh bộc bạch.
Ưu điểm lớn nhất là cây khóm trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm liền; người trồng có thể chủ động việc ra trái để thu hoạch và còn tận dụng con khóm đeo quanh trái để làm giống cho vụ tiếp theo. Với tính hiệu quả cao, mô hình trồng khóm đang mở ra hướng đi mới trong việc sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao kinh tế.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Giang Tây bà Lê Thị Kim Liên cho biết: “Hiện xã đang khuyến khích những hội viên đủ điều kiện phát triển mô hình trồng khóm. Hướng tới xã sẽ liên kết với các tiểu thương, tìm đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững dưới tán rừng”./.
Hiệu quả từ mô hình trồng khóm trên đất nhiễm mặn
Trúc Linh - UBND huyện Ngọc Hiển
Đăng nhận xét