Đã thành thông lệ, cứ độ xuân sang, người dân quê bưởi Đại Minh lại hối hả ra vườn để thụ phấn cho giống bưởi đặc sản với hy vọng một mùa bưởi bội thu. Tháng Ba, những vườn bưởi ở Đại Minh bắt đầu bung sắc trắng tinh khôi, hối thúc người dân ra vườn thụ phấn cho hoa.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngà thụ phấn hoa cho bưởi. |
Từ 7 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Ngà ở thôn Minh Thân đã ra vườn lấy hoa bưởi chua, bưởi Diễn thụ phấn cho cây bưởi ngọt Đại Minh. Với 350 gốc bưởi, trong đó có hơn 100 gốc bưởi Đại Minh, chị Ngà phải thuê thêm 10 lao động mỗi ngày. Công cụ là những chiếc gậy dài ngắn khác nhau. Đầu gậy gắn một cái chổi bông được phủ đầy phấn hoa.
Người thụ phấn cho bưởi phải vươn sào qua tán cây, tìm những chùm hoa nở khỏe khoắn, cánh thẳng mà chấm vào noãn hoa bưởi chua, bưởi Diễn chấm trực tiếp lên noãn hoa của cây bưởi ngọt Đại Minh giờ sử dụng chổi lông nhỏ mềm mại, công việc diễn ra thuận tiện hơn, người lao động bớt vất vả và năng suất đậu quả cũng không bị ảnh hưởng.
Chị Ngà chia sẻ: "Hoa bưởi chỉ nở rộ trong 10 đến 15 ngày nên mọi nhà đều tất bật thụ phấn cho hoa. Nhà vườn nào cũng phải thuê lao động nhàn rỗi từ các xã khác đến thụ phấn hoa. Một lao động sẽ được trả từ 180 nghìn đến 200 nghìn đồng một ngày tùy theo năng suất. Nhìn chung, thụ phấn hoa bưởi không khó nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, cẩn thận. Khi cây đậu quả, chúng tôi sẽ phải thực hiện nhiều kỹ thuật chăm sóc cây khác nữa như: bón phân, phun thuốc… để cây và quả phát triển tốt, không bị sâu, bệnh cho đến lúc quả chín. Riêng gia đình tôi đã thu về gần 400 triệu đồng từ bán bưởi trong năm 2020 nên cũng đủ để chi trả cho những khâu quan trọng trên”.
Cây bưởi Đại Minh đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân thì càng khẳng định giá trị cho giống bưởi tiến vua một thời và sự cần cù, chăm chỉ của người dân nơi đây. Vì thế, cứ vào vụ hoa bưởi, trên 700 hộ trồng bưởi ở xã đã gác lại mọi công việc để tập trung thụ phấn để mong đợi một vụ bội thu vào dịp cuối năm. Kỹ thuật thụ phấn chéo cho bưởi Đại Minh đã được áp dụng giúp tỷ lệ đậu quả tăng khoảng 30% cộng thêm kỹ thuật chăm sóc của người dân đã giúp Đại Minh thu về hơn 50 tỷ đồng từ bưởi trong năm 2020. Tranh thủ phút nghỉ trưa bên vườn hoa bưởi, ông Nguyễn Mạnh Ân ở thôn Khả Lĩnh cùng vài người hàng xóm lại đau đáu những vấn đề để phát triển cây bưởi.
Hoa bưởi nở rộ trắng muốt là lúc người trồng bưởi tiến hành thụ phấn. |
Nhà ông Ân có 300 gốc bưởi, trong đó có 150 gốc bưởi Đại Minh được trồng ở bãi phù sa, gò đồi và xung quanh nhà. Ông cũng là người nổi tiếng trong thôn vì có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc cây bưởi nên quả bưởi của nhà lúc nào cho mẫu mã đẹp, vị ngọt, mỗi vụ bán cũng được từ 300 đến 400 triệu đồng. Ngoài bưởi Đại Minh, nhà ông còn trồng thêm cả bưởi Sửu, bưởi Diễn, bưởi da xanh...
Thế nên, trong câu chuyện của những người nông dân ở thôn Khả Lĩnh hướng đến là việc trồng, chăm sóc, tiêu thụ bưởi một cách hiện đại: từ kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh theo quy trình sản xuất bưởi an toàn, chất lượng theo hướng hữu cơ; trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi…
Ông Ân cũng nhắc đến, quả bưởi của Hợp tác xã Bưởi đặc sản Đại Minh năm qua đã đạt OCOP 5 sao, được bày bán ở các siêu thị lớn trên toàn quốc với giá cao. "Từ lúc trồng bưởi đến bón phân, chăm sóc đều có sự giám sát và theo quy định rõ ràng. Quả bưởi được lựa chọn màu sắc phải vàng tươi, hình dáng quả tròn đều, ăn có vị thanh ngọt không bị khô và được dán tem truy xuất nguồn gốc đến tận gia đình, tận gốc bưởi trước khi vào siêu thị” – ông Ân chia sẻ đầy ngưỡng mộ và dường như ông cũng đang mong muốn sản phẩm bưởi của gia đình sẽ được như thế từ vụ hoa này.
Hoa bưởi nở từng chùm màu trắng tinh khôi, thường rụng trắng ngay dưới gốc bưởi tạo nên khung cảnh làng quê thơ mộng, đồng thời là vị trong nhiều bài thuốc cổ truyền, làm nước gội đầu, làm chè bưởi, mứt bưởi…
Đó cũng là ý tưởng mà chị Hoàng Thị Hồng Thương – Bí thư Đoàn xã Đại Minh vận động đoàn viên thanh niên trong xã thành lập mô hình du lịch cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm vườn bưởi và làm các sản phẩm du lịch từ cây bưởi.
Việc thụ phấn được người trồng bưởi Đại Minh tuân thủ đúng quy trình. |
Chị Thương chia sẻ: "Với làng quê quanh năm ngạt ngào hương bưởi, chúng tôi kỳ vọng sẽ làm ra sản phẩm du lịch trải nghiệm ngay tại quê hương. Du khách đến đây sẽ được sống trong không gian làng quê, được trải nghiệm công việc thụ phấn, thu hoạch bưởi. Những du khách đã lớn tuổi sẽ được ôn lại những hình ảnh quen thuộc như: gội đầu bên giếng khơi bằng thứ nước làm từ hoa bưởi, ăn chè bưởi, mứt bưởi, uống trà ướp hương bưởi…”.
Đánh giá về những ý tưởng độc đáo của tuổi trẻ địa phương, ông Nguyễn Kiều Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: "Năm 2021, xã Đại Minh đang phấn đấu đạt xã nông thôn kiểu mẫu nên Đảng ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ các cơ quan, đoàn thể trong việc thực hiện các mô hình kinh tế xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Đồng thời, xã cũng đã xây dựng kế hoạch, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tăng cường vệ sinh đường làng ngõ xóm, cải tạo những tuyến đường hoa, lắp đặt hệ thống bóng điện chiếu sáng và vận động nhân dân vệ sinh, dọn dẹp vườn bưởi và các điểm tham quan để sẵn sàng đón du khách đến tham quan. Xã cũng xác định quả bưởi là sản phẩm chủ lực của địa phương nên sẽ tiếp tục vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây bưởi; hướng người dân sử dụng các sản phẩm hữu cơ, chế phẩm sinh học để từng bước nâng cao chất lượng quả bưởi. Xã cũng phấn đấu trồng mới trên 80 ha bưởi để nâng tổng diện tích trồng bưởi toàn xã lên 390 ha trong năm nay”.
Tháng Ba mùa hoa bưởi, cả đất trời như bừng sáng lên với những vườn hoa bưởi nở trắng tinh khôi, với những người nông dân miệt mài chăm chút cho giống bưởi quý và với những người trẻ đang khao khát xây dựng miền quê tươi đẹp, đáng sống để đón chào du khách. Mùa hoa bưởi ở Đại Minh đang chất chứa nhiều ước vọng một vụ mùa bội thu.
Thanh Chi - Hoài Văn - Báo Yên Bái
Đăng nhận xét