Những năm gần đây, cây bưởi đặc sản đã mang lại nguồn thu lớn cho hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đưa cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực và phát triển thành sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Phú Thọ đang được tỉnh triển khai theo lộ trình, sát với thực tế. Nhiều địa phương đã vận động người dân phá bỏ vườn tạp, rà soát quỹ đất phù hợp để hình thành vùng trồng bưởi tập trung.
Với trên 200 gốc bưởi Diễn có tuổi đời từ 12-15 năm, mỗi năm cho gia đình anh Đỗ Minh Điền, khu Minh Tân, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng. |
Bưởi Diễn “bén duyên” Đất Tổ
Đến xã Phúc Khánh, huyện miền núi Yên Lập mùa này đâu đâu cũng bắt gặp những vườn bưởi diễn sai quả đang độ chín vàng. Hương thơm từ quả bưởi Diễn lan tỏa khắp vùng quê. Năm nào cũng vậy từ thời điểm này đến giáp Tết Nguyên đán, hầu như gia đình nào ở xã Phúc Khách cũng tất bật thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ bưởi.
Thăm vườn bưởi Diễn của gia đình anh Đỗ Minh Điền ở khu Minh Tân, nhìn vườn bưởi trên 200 gốc được trồng từ 15 năm trước trĩu nặng cho thấy nguồn thu nhập đáng kể của gia đình. Anh Điền cho biết, từ ngày chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng bưởi Diễn đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trước đây, mỗi năm thu về 200-250 triệu đồng.
Gia đình anh Điền là một trong những hộ đầu tiên của xã đưa cây bưởi Diễn vào trồng trên diện tích vườn tạp. Khi thấy vườn bưởi Diễn của gia đình anh Điền trồng thành công, nhiều hộ dân trong khu đã học tập và làm theo. Đến nay toàn xã đã có trên 200 hộ trồng bưởi với diện tích gần 64ha. Nhiều hộ đã xóa nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng bưởi Diễn.
Những năm trở lại đây, cây bưởi Diễn được trồng trên đất Yên Lập chất lượng thơm ngon không thua kém bưởi ở các vùng khác, giá cả ổn định, trung bình từ 10.000 đến 20.000 đồng/quả. Nhờ đó, nhiều gia đình trên địa bàn huyện đã có thu nhập ổn định từ 50 - 200 triệu đồng/năm, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số như huyện miền núi Yên Lập.
Đồng chí Đinh Văn Sơn- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lập cho biết: “Đất và khí hậu nơi đây rất phù hợp để cây bưởi Diễn sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả to, mỏng vỏ, múi dày, vị ngọt mát, mọng nước, hạt tép đều. Từ lợi thế này, huyện Yên Lập quy hoạch các xã Thượng Long, Đồng Thịnh, Xuân Thủy, Phúc Khánh thành vùng chuyên canh trồng bưởi Diễn. Sau 5 năm phát triển, đến nay toàn huyện đã trồng trên 338ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là gần 184ha, năng suất ước đạt 112,5ha, sản lượng ước đạt gần 2.068 tấn. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện sẽ đạt 1.586ha, hình thành 4 vùng trồng bưởi tập trung tại 16 xã”.
Cùng với huyện Yên Lập, cây bưởi Diễn được trồng ở các huyện: Phù Ninh, Thanh Sơn, Cẩm Khê. Riêng Thanh Sơn diện tích trồng bưởi Diễn tăng nhanh. Hiện nay, huyện Thanh Sơn có 590ha bưởi Diễn, trong đó, diện tích cho sản phẩm là trên 331ha, năng suất đạt 112 tạ/ha, sản lượng đạt trên 3.700 tấn; thu nhập bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/năm. Giai đoạn 2021- 2023, huyện Thanh Sơn phấn đấu trồng mới 465ha, nâng tổng số diện tích bưởi toàn huyện lên 1.040ha. Dự kiến diện tích quy hoạch vùng trồng bưởi tập trung tại 6 xã Thục Luyện, Cự Thắng, Tất Thắng, Văn Miếu, Tân Lập, Tân Minh với tổng diện tích trên 522,15ha; diện tích trồng bưởi không tập trung là trên 1.537,85ha.
Bưởi Đoan Hùng đã được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý và vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. |
Bưởi Đoan Hùng trở thành cây kinh tế mũi nhọn
Từ lâu hai giống bưởi đặc sản là bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân đã làm nên thương hiệu “Bưởi Đoan Hùng” nổi tiếng khắp cả nước bởi mùi thơm đặc biệt, vị ngọt mát, vỏ mỏng, tôm mọng nước, là món quà mà bất kỳ du khách nào khi đến Phú Thọ đều muốn được thưởng thức. Cây bưởi đã thực sự là cây kinh tế mũi nhọn mang lợi ích kinh tế cao cho nhân dân các dân tộc trong huyện. Nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ cây bưởi.
Xác định phát triển cây bưởi là cây mũi nhọn trong các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện, những năm gần đây, huyện Đoan Hùng đã tập trung chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích bưởi hiện có. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, ký kết hợp đồng liên kết, trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; bên cạnh đó triển khai các biện pháp để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu bưởi này. Đến nay, tổng diện tích 2 giống bưởi đặc sản là 1.420ha, trong đó bưởi Sửu 530ha, bưởi Bằng Luân 890ha, diện tích cho thu hoạch trên 1.100ha.
Cùng với bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu, huyện Đoan Hùng còn mở rộng diện tích bưởi Diễn với 830ha, còn lại là một số giống bưởi khác như bưởi chua, bưởi Xuân Vân, bưởi da xanh... Diện tích bưởi đã cho sản phẩm trên địa bàn khoảng 1.600ha; sản lượng quả ước đạt 20.000 tấn (bưởi đặc sản 13.500 tấn), giá trị sản phẩm ước đạt trên 300 tỷ đồng.
Năm 2019, bưởi Đoan Hùng là 1 trong số 75 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao giải thưởng “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. Đây là lần thứ 3 bưởi đặc sản Đoan Hùng tiếp tục được vinh danh là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Tạo dựng thương hiệu bưởi Phú Thọ
Xác định cây bưởi là một trong những cây trồng chủ lực, trở thành sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Phú Thọ, hiện nay toàn tỉnh đã trồng 4.900ha, trong đó bưởi đặc sản Đoan Hùng là 1.500ha, bưởi Diễn là 3.350ha. Diện tích bưởi cho sản phẩm đạt 3.000ha, năng suất dự kiến đạt 118,8 tạ/ha, sản lượng bưởi ước đạt 35.640 tấn. Cùng với mở rộng diện tích, hình thành vùng trồng bưởi tập trung, tỉnh đã quan tâm, xây dựng các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, chính sách hỗ trợ để phát triển vùng.
Từ năm 2016 đến nay, với các nguồn kinh phí khác nhau đã trên 20 tỷ đồng hỗ trợ cho phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều hộ dân trồng bưởi đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện thâm canh theo quy trình VietGAP vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời dán tem truy xuất nguồn gốc để tạo chỗ đứng trên thị trường. Từ đó thu nhập của người trồng bưởi không ngừng tăng lên, trung bình đạt 150 - 200 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ đạt trên 500 triệu đồng/năm. Hiện toàn tỉnh đã hình thành 151 vùng liên kết sản xuất theo hình thức liên gia, liên thôn, liên xã với tổng diện tích 793ha.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đã có buổi kiểm tra thực địa một số vùng phát triển cây bưởi và nghe các đơn vị, địa phương báo cáo kế hoạch, định hướng phát triển vùng sản xuất bưởi tập trung năm 2021 và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí yêu cầu các ngành, địa phương cần xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai thực hiện trồng bưởi sát với thực tế; việc mở rộng diện tích là cần, nhưng phải phù hợp để hình thành vùng trồng bưởi tập trung; không được phá bỏ diện tích cây trồng khác đang chuẩn bị cho thu hoạch mà vận động người dân phá bỏ vườn tạp, bạch đàn tái sinh kém hiệu quả sang trồng bưởi; chú trọng liên kết từ khâu trồng, chăm sóc đến sản xuất nông nghiệp tốt để cho sản phẩm chất lượng, bền vững; chú trọng quảng bá, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm…
Đoan Hùng: Bưởi vàng đón Tết
Phương Uyên - PTĐT
إرسال تعليق