Với lịch sử tồn tại và khai thác khá lâu dài cũng như giá trị kinh tế nó mang lại, cam Vân Du hiện không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo, mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Qua đó, góp phần phát triển và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm cam Vân Du (Thạch Thành) trên thị trường.
Người dân thị trấn Vân Du thu hoạch cam. |
Thị trấn Vân Du là một trong sáu vùng trồng cam lớn và được quy hoạch từ thời Pháp thuộc, với các đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cam. Đất ở đây giàu mùn, thành phần cơ giới là đất pha cát và thịt nhẹ, thoát nước tốt, phù hợp cho cây cam phát triển. Cây cam tại Vân Du là giống cam nhập nội vào trại cam Vân Du năm 1947, có nhãn hiệu thương mại là Sunkist. Quá trình chọn lựa đã có những dòng tốt và từ đây được phân phối đi các vùng khác, do đó người dân thường gọi giống cam này là cam Vân Du. Vân Du đã trở thành tên bản địa chỉ dẫn nguồn gốc của giống cam này ở Việt Nam. Trong những năm 1960-1990, cam Vân Du là một trong những giống cam chủ lực của các nông trường quốc doanh trồng cam xuất khẩu cho Liên Xô (cũ), với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cây cam Vân Du chưa được chọn lọc, duy trì về giống thường xuyên, dẫn đến cây cam bị thoái hóa và lai tạp. Đặc biệt trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm cam không rõ nguồn gốc, nhưng vẫn sử dụng thương hiệu Vân Du đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, chất lượng sản phẩm cam được trồng ở Vân Du.
Hiện nay, quy mô trồng cam Vân Du trên địa bàn huyện Thạch Thành khoảng trên 150 ha; tập trung tại các xã Thành Tân, thị trấn Vân Du, Thạch Cẩm, Thành Minh, Thạch Quảng và Thạch Tượng (khu vực Nông trường Vân Du và Nông trường Thạch Quảng trước kia). Sản lượng cam hàng năm ước đạt hơn 2.000 tấn, giá xuất bán tại cơ sở bình quân 25.000 đồng/kg và chỉ đủ cung ứng tại thị trường trong tỉnh.
Tuy nhiên, một số sản phẩm “cam Vân Du” không rõ nguồn gốc bày bán trên thị trường với giá rất rẻ từ 10 - 15.000 đồng/kg. Điều này là do cam Vân Du chưa có tem nhãn, nên rất khó để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững cây ăn quả có múi, huyện Thạch Thành đã xây dựng và triển khai dự án “Quy hoạch, phát triển vùng cây ăn quả trọng điểm trên cơ sở cải tạo đất vườn, đồi, trang trại tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa”. Đồng thời, hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển chọn cây giống gốc cam Vân Du để đưa về vườn ươm tại huyện. Đây là cơ sở quan trọng để huyện Thạch Thành khôi phục và phát triển giống cam Vân Du, đặc biệt là xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du.
Hiện nay, quy mô trồng cam Vân Du trên địa bàn huyện Thạch Thành khoảng trên 150 ha. |
Đặc biệt, căn cứ Quyết định số 4989 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt, bổ sung nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa thực hiện trong năm 2018. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng dự án: “Xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du cho sản phẩm cam của huyện Thạch Thành”. Mục tiêu của dự án là thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và phát triển đối với nhãn hiệu chứng nhận “Cam Vân Du” cho sản phẩm cam huyện Thạch Thành nhằm nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo đời sống và tăng thu nhập cho các hộ trồng cam và các sản phẩm từ cam. Sau khi dự án được Hội đồng khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa thẩm định, UBND huyện Thạch Thành đã tổ chức thực hiện các bước của dự án theo tiến độ đề ra và đảm bảo các yêu cầu của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2588/QĐ-UBND về việc cho phép sử dụng địa danh “Vân Du - Thạch Thành” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận; phối hợp với Học viện Nông nghiệp phân tích mẫu quả xác định các tiêu chuẩn cần chứng nhận đảm bảo khoa học, thể hiện đặc thù của sản phẩm; xây dựng được hệ thống các văn bản phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu chứng nhận.
Bao gồm: Bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quy chế sử dụng tem, nhãn; quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận. Xây dựng hệ thống sổ sách để theo dõi, ghi chép và cập nhật định kỳ theo quy định. Đồng thời đang triển khai việc xây dựng hệ thống công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Cam Vân Du Thạch Thành”.
Để hoàn thành kế hoạch xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Vân Du, thời gian tới huyện Thạch Thành tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của dự án theo hợp đồng đã ký kết. Cụ thể là hỗ trợ triển khai hoạt động quản lý, xây hệ thống các tài liệu tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; danh sách các cơ sở được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cam Vân Du - Thạch Thành”; hỗ trợ việc quảng bá và phát triển nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng phương án thiết lập, khai thác và mở rộng thị trường tiêu dùng sản phẩm; xây dựng hệ thống các phương tiện, điều kiện để quảng bá phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức quản lý, sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du - Thạch Thành và đề xuất mô hình chuẩn.
T.G - Báo Thanh Hóa
إرسال تعليق