Xoài cát Cần Giờ có hình thon dài, khi chín vỏ màu vàng nhạt, vị ngọt thanh, thơm lừng do được trồng ở vùng đất cát biển được nhiều người yêu thích. Được biết, hiện tổng diện tích trồng xoài trên địa bàn huyện Cần Giờ đạt khoảng 229,2 ha, chủ yếu tập trung ở xã Long Hòa (190,6 ha) và thị trấn Cần Thạnh (38,6 ha) đã đem lại giá trị kinh tế cho người trồng.
Mô hình bao trái xoài tại TT Cần Thạnh huyện Cần Giờ. |
Nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người trồng xoài góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2020, Trung tâm khuyến nông, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đã đầu tư 2 mô hình “Thâm canh xoài theo quy trình VietGAP” với quy mô 10 ha/12 hộ; áp dụng theo quy trình “kỹ thuật canh tác cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” do Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam biên soạn. Trong quá trình canh tác có sử dụng túi bao trái bằng túi giấy không thấm nước (Kraft), màu trắng để bao trái xoài trong giai đoạn đậu trái.
Sau 1 năm theo dõi, kết quả tỷ lệ trái đẹp loại 1 đạt từ 60 - 70%, năng suất xoài trung bình đạt trên 5 tấn/ha, sản lượng đạt trên 50 tấn/10 ha, giá thành khoảng 17.500 đồng/kg, giá bán loại 1 hiện dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại khoảng trên 1,8 tỷ đồng/10 ha/năm. Ngoài ra, 9/12 hộ tham gia mô hình đã được cấp chứng nhận VietGAP, 3 hộ còn lại cán bộ kỹ thuật tiếp tục hướng dẫn bà con canh tác để thời gian tới được cấp giấy chứng nhận.
Ông Đỗ Thắng Tiên, chuyên viên Phòng kinh tế huyện Cần Giờ cho biết: “Đại diện địa phương, chúng tôi rất quan tâm và đánh giá cao sự hỗ trợ của chính sách khuyến nông trong việc chuyển giao kỹ thuật, phân bón và đặc biệt là bao trái xoài. Bao trái đã giúp nâng cao tỷ lệ trái đẹp đạt tiêu chuẩn hạng 1 từ đó giá bán được cao, đem lại lợi nhuận cao hơn cho bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện nay các hộ tham gia mô hình vẫn còn khó khăn trong việc ghi chép hồ sơ lưu trữ để đạt chứng nhận VietGAP và giá bán sản phẩm VietGAP chưa có sự chênh lệch đáng kể so với giá xoài được sản xuất theo truyền thống nên khiến nông dân ít mặn mà vì trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe”.
Thu hoạch sản phẩm của các hộ tham gia mô hình “Thâm canh xoài theo quy trình VietGAP”. |
Ông Châu Thanh Phúc, phó chủ tịch Hội nông dân xã Long Hòa cho biết: Thời tiết năm nay diễn biến bất thường cũng gây ảnh hưởng đến năng suất chất lượng của sản phẩm xoài, giá cả cũng chưa ổn định. Hiện xã Long Hòa đang liên kết với Satra food tiêu thụ xoài cho bà con, nhưng với yêu cầu phải sản xuất theo VietGAP. Muốn sản phẩm xoài vào được siêu thị, bán được giá và ổn định thì không còn cách nào khác, nông dân phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của địa phương là 85% diện tích đất ở đây không còn là của người dân địa phương mà đã bán cho người từ nơi khác nên diện tích đất trồng xoài sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Ông Phạm Lâm Chính Văn, giám đốc Trung tâm khuyến nông thành phố nhấn mạnh: Với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn thì sản xuất trong nông nghiệp nói chung và trong trồng xoài nói riêng phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là tất yếu.
Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp tại các đô thị lớn, trong đó có TP.HCM, ngày càng bị thu hẹp nên sản xuất phải hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng là chính. Thời gian tới, bà con trồng xoài nên duy trì diện tích đất trồng, có thể thuê lại khi bán đất và áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng như sử dụng bao trái để tăng tỷ lệ trái đẹp, hướng tới xây dựng thương hiệu xoài Cần Giờ.
TRÚC MINH - KHPTO
إرسال تعليق