Để phát triển cam theo hướng bền vững, Hà Giang đã và đang xây dựng các giải pháp tập trung nâng cao chất lượng cam trở thành thương hiệu; Phát triển cây cam phù hợp với quy hoạch ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đáp ứng việc liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái.
Hiện nay, diện tích Cam sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 7.079 ha. |
Năm 2019, 3ha cam sành của gia đình chị Đặng Thị Hiệp ở thôn Hồng Thái xã Việt Hồng huyện Bắc Quang đã được cấp chứng nhận VietGap. Qua trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap đã giúp cho toàn bộ diện tích cam của gia đình chị Khánh phát triển tốt, cây khỏe, sản lượng tăng và đặc biệt hạn chế được dịch bệnh trên cây trồng. Đến nay, gia đình chị Khánh đang thực hiện duy trì chứng nhận và mở rộng diện tích Cam VietGap.
Đầu năm 2020, anh Nông Văn Chiểu, thôn Yên Chàng xã Tiên Yên huyện Quang Bình chuyển đổi 3ha trên tổng diện tích 6ha cam của gia đình trở thành vườn cam mẫu theo chương trình định hướng của huyện. Anh Chiểu được hướng dẫn thực hiện quy trình chăm sóc, thu hái và tiêu thụ một cách đồng nhất để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm cam.
Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 duy trì ổn định diện tích Cam sành toàn tỉnh là 5.000 ha. |
Hiện nay, diện tích Cam sành trên địa bàn tỉnh là 7.079 ha, chiếm 82,4% diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh. Trong đó diện tích cho thu hoạch là 5.016 ha; năng suất bình quân đạt 119 tạ/ha; sản lượng cam Sành đạt trên 59 tấn. Diện tích các giống cam khác là cam Vàng gồm các giống: Cam Vinh, Xã Đoài, Đường Canh, Cao Phong và V2 là 1.089 ha. Theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020, diện tích cam Sành đã tăng gấp 1,4 lần so với mục tiêu ổn định đến năm 2020 là 5.000 ha.
Ngành nông nghiệp đang tập trung phối hợp với các địa phương chỉ đạo tuyên truyền cho bà con duy trì ổn định, không phát triển thêm diện tích cam; Thực hiện rà soát, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất đối với cây cam Sành theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và sản xuất bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng diện tích thâm canh theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ.
Đến năm 2025 duy trì ổn định diện tích Cam sành toàn tỉnh là 5.000 ha tập trung tại 38 xã của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cam sành Hà Giang; Thực hiện cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 2.000 ha cây Cam sành; Đến năm 2030: Thực hiện cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm toàn bộ 5.000 Cam sành.
Để thực hiện được mục tiêu này, việc tăng cường quản lý Nhà nước về định hướng phát triển cây cam nói chung và cam Sành nói riêng là yêu cầu cấp thiết và cần sự vào cuộc của các cấp các ngành cùng sự linh hoạt của các HTX, các hộ sản xuất cam trên địa bàn tỉnh.
Phương Thảo- Ngọc Hải
Đăng nhận xét