Thay vì chọn trồng dưa hấu thả lan như cách trước đây nhiều hộ nông dân ở địa phương vẫn làm, ông Huỳnh Công Quyển (xã Vĩnh Thành, Châu Thành, An Giang) lại làm giàn trồng dưa hấu. Có sẵn nhà lưới của gia đình, ông Quyển chọn giống dưa không hạt, làm giàn cho dưa leo lên, làm giá treo trái... Với cách làm đầy sáng tạo này đã giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình, bởi dưa hấu trồng theo cách này đạt hiệu quả cả về năng suất lẫn chất lượng.
Làm giàn trồng dưa hấu giúp giảm sâu bệnh tấn công, giảm chi phí trong sản xuất, tạo ra nông sản an toàn. |
Hiện nay, ông Quyển đã xuống giống cho vụ thứ 3 theo cách trồng dưa hấu thả giàn, để chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Mạnh dạn thực hiện cách trồng này là do ông Quyển đã thành công trong 2 vụ trước đó, 1 vụ trồng dưa hấu truyền thống và 1 vụ dưa hấu không hạt mới vừa kết thúc. Một điểm nổi bật mà ông Quyển rất tâm đắc khi cho dưa hấu leo giàn là sâu bệnh gây hại ít hơn so với kiểu cho dưa bò lan trên mặt đất. Cùng với đó, do được trồng trong nhà lưới nên hầu như dưa hấu không bị sâu hại tấn công, ngoài số lượng rất ít bọ trĩ xuất hiện.
“Chính vì vậy, việc phun thuốc bảo vệ thực vật cũng được hạn chế tới mức tối đa, tạo ra được sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Khi đến gần ngày thu hoạch mà dưa hấu vẫn giữ được bộ lá xanh tốt, lá chân xanh và khỏe, giúp người trồng dưa vững bụng” - ông Quyển vui vẻ nói.
Với hơn 1.000 dây dưa hấu không hạt, trồng trong diện tích nhà lưới 2.000m2, vụ vừa rồi, ruộng dưa của ông Quyển đạt năng suất trên 3 tấn trái, bán với giá đã được ký hợp đồng từ trước là 6.000 đồng/kg. Trung bình mỗi trái dưa hấu đạt trọng lượng là 2,5kg, bên cạnh đó vẫn có những trái dưa hấu lớn, trọng lượng đạt từ 3-4kg/trái. Sau khi trừ tất cả chi phí, chỉ với sau 65 ngày gieo trồng, ông Quyển đã thu lại lợi nhuận trên 7 triệu đồng.
Ban đầu, ông Quyển cũng chưa nghĩ đến việc đưa dưa hấu lên giàn trồng như bây giờ, cũng chưa từng đi học hỏi kinh nghiệm hay tham khảo quá trình sản xuất của bất cứ mô hình nào trước đó, những lúc khó khăn chính là động lực giúp người nông dân này suy nghĩ, tìm tòi ra mô hình sản xuất mới.
Dưa hấu leo giàn là mô hình thí nghiệm lần đầu trên địa bàn huyện Phú Tân (An Giang). |
Bằng kinh nghiệm của bản thân, ông Quyển tự trải nghiệm sản xuất từ vụ này sang vụ khác, từ dưa leo, bí rợ rồi đến dưa hấu thường, dưa hấu không hạt như hiện nay. Trồng hoa màu thì sợ mưa, nhất là mưa dầm vì không chỉ làm dập, nát lá mà cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công, mất năng suất, thậm chí là mất trắng.
Từ ý nghĩ đó, ông Quyển tự làm nhà lưới kiểu gia đình để đưa hoa màu vào canh tác, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra cho hoa màu. Vụ trước, ông Quyển cho trồng dưa hấu có hạt truyền thống, cũng cho dưa hấu leo giàn, năng suất tốt và lợi nhuận đem lại rất khả quan. Bởi vậy, vụ này ông Quyển tiếp tục trồng dưa hấu, nhưng lựa chọn loại dưa không hạt để thử nghiệm.
Theo ông Quyển, các bước kỹ thuật để trồng dưa hấu trên giàn không khác so với trồng dưa thả lan. Chẳng hạn, bà con cũng chuẩn bị làm sạch đất, lên liếp, ươm bầu, gieo hạt, cách thụ phấn, lấy trái, bón phân chăm sóc... đều tiến hành tương tự.
“Tuy nhiên, đối với mô hình trồng dưa hấu trên giàn sẽ tốn công hơn, như: cho dây lên giàn, khi trái to bằng cỡ trái cam thì làm giá đỡ cho dưa hấu... Tuy có cực công chăm sóc, nhưng bù lại trái dưa hấu rất đẹp, to tròn, vị ngọt thanh, chắc thịt” - ông Quyển chia sẻ.
Giá đỡ dưa được ông Quyển sáng chế bằng việc mua lưới về cắt thành hình vuông, lấy dây cột 4 đầu rồi sau đó treo lên giàn, có tác dụng đỡ trái dưa hấu, giá đỡ này còn có thể tận dụng lại nhiều vụ sản xuất tiếp theo.
Vừa rồi, Trung tâm Khuyến nông huyện Châu Thành đã tổ chức hội thảo về mô hình trồng dưa hấu không hạt theo hướng an toàn năm 2020. Tại ruộng dưa của ông Quyển, trên 30 bà con nông dân đến từ các xã: Vĩnh Thành, Vĩnh Lợi, Vĩnh Nhuận và xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn) đã được nghe giới thiệu về mô hình sản xuất. Hội thảo diễn ra với mong muốn giúp người nông dân tiếp cận với mô hình sản xuất mới, học hỏi thêm kỹ thuật, kinh nghiệm và có thể ứng dụng hiệu quả tại hộ gia đình.
Theo chị Phạm Thị Như (Kỹ sư của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành), mô hình trồng dưa hấu trên giàn của ông Quyển được đánh giá cao về tính hiệu quả. Đặc biệt nhất là mô hình trồng được với mật độ dày, cao hơn gần 2 lần so với cách trồng thả lan, nhờ vậy cuối vụ năng suất thu được tăng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, nhờ trồng trong nhà lưới và thả trái lên giàn nên giảm trên 60% số lần phun xịt sâu, rầy mỗi vụ. Năng suất cao, trái to, đẹp, chi phí sản xuất thấp... tất cả đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
ÁNH NGUYÊN - AGO
Đăng nhận xét