Cùng với sự phát triển của cây xoài, những năm gần đây, một số doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, chế biến ra các sản phẩm từ quả xoài nhằm góp phần nâng cao giá trị cho quả xoài.
Sơ chế xoài tươi để sản xuất xoài sấy dẻo. |
Được mệnh danh là thủ phủ xoài của tỉnh, huyện Cam Lâm có gần 6.000ha xoài, năng suất phổ biến hơn 8 tấn/ha mỗi năm. Các giống xoài ở đây chủ yếu là: Canh nông, Úc, Hòa Lộc, tứ quý, xoài keo… Tuy có diện tích, sản lượng lớn, chất lượng tốt nhưng nhiều năm qua, đầu ra cho quả xoài ở Cam Lâm vẫn rất bấp bênh, luôn trong tình trạng được mùa mất giá. Hiệu quả của cây xoài vì thế chưa như mong đợi.
Từ thực tế đó, những năm gần đây, một số DN, hộ kinh doanh đã chuyển hướng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến xoài sấy nhằm góp phần nâng cao giá trị và giải quyết đầu ra cho quả xoài. Điển hình như DN chế biến xoài sấy Trung Thành, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm. Năm 2018, trên diện tích 1.500m2, DN đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, kho trữ lạnh, buồng sấy lạnh… với công suất thiết kế 2,4 tấn xoài tươi/ngày.
Đến giữa năm 2019, khi DN đi vào hoạt động ổn định, khách du lịch đến Khánh Hòa đông nên nhu cầu thị trường tiêu thụ xoài sấy rất lớn. Mỗi ngày, DN hoạt động hết công suất cho ra lò khoảng 300kg xoài sấy nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thị trường khách du lịch giảm sút nên mức tiêu thụ sản phẩm xoài sấy cũng giảm mạnh, thậm chí có những thời điểm DN phải ngừng sản xuất.
Doanh nghiệp chế biến xoài sấy Trung Thành. |
Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu tiêu thụ quả xoài cho người trồng xoài trên địa bàn huyện, đồng thời đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu, DN vẫn thu mua cả trăm tấn xoài trữ đông. Hiện nay, mỗi ngày, DN sản xuất khoảng 100kg xoài sấy cung cấp ra thị trường, giá bán sỉ 130.000 đồng/kg. “DN chỉ dùng 2 loại xoài làm nguyên liệu là xoài địa phương (xoài gốc Cam Lâm) và xoài keo vì vừa đảm bảo chất xơ, vừa không quá khô, rất thích hợp làm xoài sấy. 10 tấn xoài tươi thì mới làm ra được 1 tấn xoài sấy. Sản phẩm xoài sấy có màu vàng sáng, dẻo nhưng không dính, khi thưởng thức có vị ngọt ngọt, chua chua, mùi hương dịu nhẹ tự nhiên của quả xoài tươi, ăn rất vừa miệng, được thị trường ưa chuộng”, ông Trần Trung Thành - quản lý DN chế biến xoài sấy Trung Thành nói.
Hiện nay, quy mô sản xuất xoài sấy dẻo của hộ kinh doanh Trần Văn Ân (nay là Công ty TNHH Top Food), xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh đạt từ 120.000 đến 150.000 tấn xoài tươi/năm. Sản phẩm của công ty đã có mặt ở một số tỉnh, thành trên cả nước. Ông Ân cho biết, cách đây 3 năm, ông đã tìm hiểu và đi tham quan một số cơ sở sản xuất xoài sấy ở các tỉnh. Thấy mô hình phù hợp với địa phương, ông đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, thu mua và chế biến sản phẩm xoài sấy dẻo. Quả xoài được sơ chế, cắt lát, sau đó được sấy dẻo bằng công nghệ sấy lạnh, giúp xoài giữ được hương vị tự nhiên, hạn chế thất thoát tối đa hàm lượng dinh dưỡng, thời gian bảo quản sản phẩm lâu hơn.
Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết: “Việc Công ty TNHH Top Food đi vào sản xuất đã góp phần rất lớn giải quyết nhu cầu tiêu thụ xoài tươi cho người trồng xoài trên địa bàn Cam Ranh. Hiện nay, sản phẩm xoài sấy dẻo của công ty đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2019 và được xếp hạng 3 sao. Địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ công ty hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời khuyến khích công ty tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm tiêu thụ nhiều sản phẩm xoài tươi hơn nữa cho người dân”.
10 tấn xoài tươi thì mới làm ra được 1 tấn xoài sấy. |
Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Hiện nay, trên địa bàn Cam Ranh và Cam Lâm có 2 DN sản xuất xoài sấy hoạt động đã có nhãn mác, địa chỉ đầy đủ và được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, có khoảng 500 hộ sản xuất xoài sấy dẻo, bánh xoài… theo mùa vụ. Để giúp người dân nâng cao giá trị quả xoài, sắp tới, hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ thành lập tổ hợp tác sản xuất nhằm xây dựng nhãn mác, địa chỉ nguồn gốc cụ thể cho sản phẩm, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, hội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hội chợ, giúp người dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
KHÁNH HÀ - Báo Khánh Hòa
Đăng nhận xét