Đến các xã trung và thượng huyện Yên Sơn mùa này đâu đâu cũng bắt gặp những vườn bưởi Diễn dưới soi bãi, trên sườn đồi sai quả đang độ chín vàng. Mùi hương thơm từ quả bưởi Diễn lan tỏa cả một vùng. Năm nào cũng vậy từ thời điểm này đến giáp Tết Nguyên đán, nhà nhà trồng bưởi Diễn đang tất bật cho công đoạn thu hoạch, bán bưởi.
Vườn bưởi Diễn của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn). |
Vùng chuyên canh lớn
Mấy năm gần đây thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, huyện Yên Sơn đã hình thành vùng trồng bưởi hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu của sản phẩm này. Đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn khẳng định, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha cây bưởi, thì huyện Yên Sơn chiếm 4.100 ha. Vùng bưởi của huyện Yên Sơn trải dài từ trung tới thượng huyện bao gồm 14 xã. Những xã có nhiều bưởi nhất huyện Yên Sơn bao gồm Phúc Ninh, Xuân Vân, Thắng Quân, Tứ Quận, Tân Long. Trong đó giống bưởi Diễn và Soi Hà được trồng nhiều nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, người trồng 10 ha cây bưởi Diễn thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh cho biết, cây bưởi Diễn được du nhập vào địa phương vào khoảng năm 2000. Khi về thăm quê những người gần làng bưởi quý Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) đã mạnh dạn mang ít giống lên trồng thử ở Phúc Ninh. Không ngờ cây bưởi Diễn lại hợp đồng đất, khí hậu của huyện Yên Sơn, nơi có dòng sông Gấm, Lô chảy qua, tạo ra hai vùng soi bãi màu mỡ. Không giống cây cam sành khá kén đất, cây bưởi Diễn trồng ở soi bãi, đất ruộng, kể cả trên đồi cao đều cho kết quả tốt. Từ năm 2012 trở đi cây bưởi Diễn phát triển mạnh ở huyện Yên Sơn, trở thành vùng chuyên canh hàng hóa lớn của tỉnh.
Để cho cây bưởi phát triển đúng định hướng, nâng cao được giá trị của cây bưởi, huyện Yên Sơn đã vận dụng nhiều giải pháp. Đầu tiên phải kể đến là quy hoạch vùng, nhằm tạo cho cây bưởi phát triển tập trung, bền vững, lâu dài, tránh phát triển quá nóng. Chuyển đổi một phần đất soi bãi, ruộng bấp bênh một vụ, vườn tạp, rừng sản xuất sang trồng bưởi. Ngoài ra huyện xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho giống bưởi Diễn đặc sản xã Phúc Ninh và bưởi Soi Hà của xã Xuân Vân. Trong thời gian tới huyện tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi nói trên. Các buổi hội thảo, tập huấn về việc trồng bưởi theo hướng canh tác hữu cơ, VietGap luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con nông dân.
Huyện cũng tập trung tuyên truyền, quảng bá, tham gia các gian hàng hội chợ nhằm đưa thương hiệu bưởi của Yên Sơn đến với người tiêu dùng. Huyện phối hợp với các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thêm về chất đất, kỹ thuật chiết cành, lai ghép, quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản bưởi. Để cây bưởi Diễn trong vùng phát triển một cách hiệu quả, cho năng suất, chất lượng quả cao.
Ông Nguyễn Văn Giàu trồng nhiều bưởi Diễn nhất xã Phúc Ninh với 10 ha. |
Rộn ràng mùa thu hoạch
Tại xã Phúc Ninh nơi có diện tích trồng bưởi Diễn lên đến gần 1.000 ha, nhiều nhất huyện Yên Sơn. Thời điểm này, các lái buôn đang đổ về xem vườn, đặt cọc, cắt bưởi. Những chiếc ô tô tải nối đuôi nhau bốc hàng, chuyển bưởi về xuôi. Đồng chí Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn đưa chúng tôi đi thị sát vùng chuyên canh bưởi Diễn cho biết, năm nay do tình hình dịch bệnh Covid -19, kinh tế của người dân và vấn đề xuất khẩu bị ảnh hưởng khá nặng nề. Nhiều nhà hàng, khách sạn sụt giảm lượng khách trong nước và quốc tế, lượng bưởi vào thị trường này giảm hẳn. Chính vì vậy mà giá bưởi Diễn cắt tại vườn kém hơn các năm. Nếu như năm 2019 giá một quả bưởi Diễn loại A được bán tại vườn trung bình là 9.000 đồng, thì năm nay tụt xuống còn 6.000 đồng. Riêng bưởi Soi Hà thu hoạch trước, nông dân vẫn bán được 16.000 đồng/quả. Theo ông Tình, với giá 6.000 đồng/quả, người trồng bưởi vẫn có thu nhập tốt hơn nhiều các loại cây trồng khác.
Đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân, xã có diện tích trồng bưởi đứng thứ nhì toàn huyện chia sẻ, bưởi Diễn nếu bảo quản đúng quy cách có thể để được vài tháng đến nửa năm mà không sợ bị hỏng. Bưởi Diễn cắt xuống xếp ra sạp khô ráo, thoáng mát, xuống nước ăn càng ngon, ngọt mát. Có những quả beo héo quắt vỏ, nhưng lõi múi vẫn bảo đảm chất lượng. Chính vì ưu điểm lớn này mà quả bưởi không phải bán đổ bán tháo vào một thời điểm. Người trồng bưởi hay lái buôn có thể ém hàng để ra năm bán vẫn được, giá có thể lại nhích lên.
So với các giống bưởi khác, thì bưởi Diễn lại có lợi thế vì thu hoạch giáp Tết. Lúc này nhu cầu của người dân rất lớn mua về để trưng bày mâm ngũ quả, làm quà và để ăn dần. Như vậy lượng hàng tiêu thụ sẽ được khá nhiều. Một lợi thế của bưởi Diễn nữa là giá cả phải chăng, chỉ bằng 1/2 đến 1/3 bưởi Soi Hà, Da xanh. Với vỏ vàng ruộm và mùi thơm đặc trưng, bưởi Diễn phù hợp là giống bưởi phục vụ Tết hơn cả.
Các lái buôn vào vùng chuyên canh bưởi bốc hàng chở về xuôi tiêu thụ. |
Bà Nguyễn Thị Trâm, một lái buôn bưởi chuyên nghiệp ở Hưng Yên lên đây gom hàng nhiều năm luôn đánh giá cao mẫu mã, chất lượng bưởi Diễn của huyện Yên Sơn. Hầu hết bưởi được dán lô gô bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, có chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap thì người buôn, người tiêu dùng càng an tâm. Với diện tích và sản lượng lớn như vậy, mỗi năm người trồng bưởi Yên Sơn thu được khoảng 800 tỷ đồng. Đây là một số tiền lớn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới của 14 xã vùng chuyên canh bưởi. Nhà ít thì thu 100 triệu, nhà nhiều hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ khi có nguồn thu từ bưởi việc thâm canh, mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị quả bưởi luôn được người nông dân quan tâm.
Ở các xã trồng nhiều bưởi Diễn thì tiêu chí thu nhập, việc làm trong xây dựng nông thôn mới đều vượt kế hoạch. Chỉ cần cảm quan nhìn những ngôi biệt thự, xe ô tô con, các thiết bị sinh hoạt đắt tiền của người dân trồng bưởi là hiểu được giá trị của cây bưởi. Mấy năm gần đây diện tích mở rộng cây bưởi chưa có dấu hiệu dừng lại, vì nó thích hợp với đồng đất ở đây, dễ trồng, chăm sóc, thu hoạch và bán. Tuy nhiên huyện Yên Sơn đã quy hoạch tổng diện tích trồng bưởi cho những năm tới không vượt quá 5.000 ha. Như vậy chỉ có thể phát triển thêm được khoảng 900 ha, bảo đảm quỹ đất, vùng quy hoạch, giá cả cạnh tranh của cây bưởi.
Huyện Yên Sơn bao quanh thành phố Tuyên Quang, việc chuyển và thành lập trung tâm thị trấn huyện mới ở khu vực xã Thắng Quân, Tứ Quận sẽ giúp các xã trung và thượng huyện phát triển nhanh chóng về mọi mặt, nhất là cơ sở hạ tầng, lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp. Đây là động lực để vùng chuyên canh cây bưởi lớn nhất tỉnh định hình, phát triển một cách bài bản, vững chắc trong những năm tiếp theo.
Quang Hòa - Báo Tuyên Quang
إرسال تعليق