Tại một vùng đất vốn dĩ được xem là đất thuần nông như huyện Trần Văn Thời lại xuất hiện một vườn nhãn hơn 20 năm tuổi đang cho trái sum suê, dù không sử dụng một loại phân hóa học nào. Vườn nhãn đã trở thành một điểm tham quan du lịch lí tưởng cho du khách gần xa.
Cà Mau: Tham quan vườn nhãn hơn 20 năm tuổi ở Trần Văn Thời.
Tại một vùng đất vốn dĩ được xem là đất thuần nông như huyện Trần Văn Thời lại xuất hiện một vườn nhãn hơn 20 năm tuổi đang cho trái sum suê, dù không sử dụng một loại phân hóa học nào, Vườn nhãn đã trở thành một điểm tham quan du lịch lí tưởng cho du khách gần xa.
Vườn nhãn hơn 20 năm tuổi, với 350 gốc, được trồng trên diện tích 1,3 hecta, đang cho trái trĩu cành này là của lão nông Lê Văn Giàu. 72 tuổi đời, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, với ông Giàu, quan điểm xứ này là vùng đất khó, đất nghèo là sai lầm. Giàu hay nghèo đều phụ thuộc ở ý chí của con người. Như ông, bà ta có câu “Người phụ đất chớ đất không phụ người”.
Vườn nhãn cho trái sum suê của ông Lê Văn Giàu (ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời). |
Minh chứng là xã Khánh Bình Tây Bắc nói chung và ấp Sào Lưới B nói riêng, nơi ông đang gầy dựng kinh tế theo hướng mới này đã và đang thay đổi từng ngày. Lộ làng thông thoáng, xe máy, xe ô tô chạy dập dìu, tiệm kinh doanh mọc lên như nấm, nhà cửa người dân khang trang. Và đó cũng là nguyên nhân ông Giàu mạnh dạn khởi đầu làm du lịch vào mùa nhãn năm nay.
Ông Giàu bộc bạch: “Giờ là hội tủ đủ các yếu tố. Đường lộ thông thoáng, gần đây lại có điểm du lịch Hòn Đá Bạc – nơi thu hút khách du dịch hàng năm, tôi thì cũng đã được tham gia tập huấn về du lịch do tỉnh, huyện tổ chức và gia đình có vườn nhãn da bò hàng chục năm tuổi, với các điều kiện về thiên nhiên có thể xây dựng các dịch vụ để bà con tham quan. Du lịch thiên nhiên – quê mình tiềm năng quá đó chứ, vậy, tại sao không làm? Qua quá trình trao đổi, thuyết phục, cuối cùng, gia đình tôi đồng thuận khai thác du lịch từ năm nay”.
Vậy là, thay gì, chỉ có thu nhập từ sản lượng 15-20 tấn nhãn như những vụ mùa trước, vụ mùa năm nay, gia đình ông Giàu có thêm chút đỉnh thu nhập từ làm du lịch. Mặc dù, chưa thể khẳng định là thành công và hài lòng với mô hình du lịch của gia đình nhưng với tín hiệu ban đầu là từ khi mở điểm tham quan thu hút khá nhiều khách du lịch gần, xa đến khám phá vườn nhãn và vui chơi.
Với vài chục ngàn đồng mỗi vé, đến vườn nhãn, khách du lịch được tận mắt nhìn thấy những gốc nhãn say trái, hưởng thụ không khí mát mẻ cùng vị ngọt ngào của những trái nhãn ngay tại vườn, được hòa mình vào thiên nhiên, giải tỏa những âu lo, buồn phiền của cuộc sống, được gặp những chú, anh, chị nông dân thân thiện và mua trái cây tại vườn để tặng người thân với giá ưu đãi.
Khách du lịch hào hứng đến tham quan vườn nhãn nhiều năm tuổi ở huyện Trần Văn Thời. |
Chia sẻ về hướng đi đối với mô hình du lịch của gia đình, ông Giàu cho biết: “Phương châm của tôi là xây dựng mô hình du lịch sinh thái, hoàn toàn từ thiên nhiên, khai thác những yếu tố thiên nhiên sẵn có; trung thực và thân thiện. Ngoài diện tích trồng nhãn này, tôi còn có mấy hecta trồng bưởi và dừa, xung quanh thì có các ao trữ cá đồng thiên nhiên. Giờ, nói chung là còn đơn sơ. Hướng tới là tôi sẽ học hỏi kỹ thuật để cho các loại cây ăn trái cho trái rải rác quanh năm. Tức là như thay gì cho trái đồng loạt hơn 300 gốc nhãn này thì mỗi đợt mình chỉ cho mấy chục cây cho trái, làm sao tạo điều kiện để khách có thể đến tham quan thường xuyên, chớ không chỉ theo mùa. Thêm nữa là xây dựng các dịch vụ vui chơi, nhà lá, trồng rẫy, câu cá để các các gia đình đến tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ. Bên cạnh đó, liên kết để giới thiệu các mặt hàng đặc trưng của tỉnh nói chung, huyện nói riêng như cá khô, mắm ruốc”.
Chị Bùi Kim Phượng, ở ấp 3, xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết: “Nghe nói ở quê mình có điểm du lịch vườn nhãn, hôm nay, tôi cùng người thân đưa các con đến tham quan. Nhận xét ban đầu là ở đây thoáng mát, yên tĩnh, vườn cây trái sum suê, mình có thể tự bẻ hoặc các anh bẻ giúp, trái nhãn vị ngọt, ruột dày. Nếu ở đây, có thêm các dịch vụ vui chơi, ăn uống thì càng tuyệt hơn”.
Bắt nhịp theo cuộc sống, biết thay đổi đúng hướng luôn là điều đáng quý ở những lão nông như ông Giàu. Nông dân làm du lịch – câu chuyện khá quen trên vùng đất Trần Văn Thời trong những năm gần đây. Họ đã nhận ra được, làm kinh tế từ du lịch không phải là điều không thể. Thế nhưng, để phát triển kinh tế từ du lịch, khai thác du lịch như thế nào để thực sự hiệu quả, họ rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành chuyên môn. Như lời mong muốn của ông Giàu: “Tôi nghĩ, làm kinh tế từ du lịch sẽ mạnh hơn nếu mọi người cùng làm, liên kết với nhau. Tôi rất mong, các ngành hỗ trợ để xây dựng mô hình du lịch sao cho hiệu quả, về xây dựng sản phẩm, dịch vụ, mô hình, … Vì, nói chung, kỹ năng làm du lịch của chúng tôi còn hạn chế nhiều”.
Ngọc Minh - CMO
إرسال تعليق