Là loại cây ăn quả có diện tích lớn thứ 2 của tỉnh Sơn La, những năm gần đây, cây xoài đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, có sản lượng xuất khẩu tương đối lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Hiện nay, diện tích cây xoài toàn tỉnh đạt khoảng 15.713ha, sản lượng ước đạt 35.400 tấn. Vùng trồng tập trung tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã. Tuy nhiên thực trạng hiện nay cho thấy, diện tích xoài tự nhiên tại tỉnh ta hầu hết là các giống cũ của địa phương, được trồng từ nhiều năm trước nên đã suy thoái, năng suất không cao, chất lượng thấp; việc đưa các giống xoài mới vào sản xuất còn mang tính tự phát, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, không theo qui hoạch, dẫn đến người trồng xoài đang gặp phải rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm, năng suất không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa cao.Còn thiếu kiến thức trong áp dụng quy trình chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng đầu ra và xây dựng thương hiệu của sản phẩm xoài.
Từ những thực tế trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020 -2022, với mục đích hướng người dân sản xuất theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thâm canh xoài nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu, làm cầu nối liên kết tiêu thụ, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP xây dựng thương hiệu sản phẩm để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Mô hình có 06 hộ tham gia, với qui mô 16 ha được thực hiện trong 3 năm, giai đoạn 2020 - 2022.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã điều tra thực trạng sản xuất xoài tại các huyện, đồng thời phối hợp với phòng nông nghiệp 2 huyện Yên Châu và Mai Sơn lựa chọn điểm triển khai thực hiện mô hình. Qua khảo sát, năm 2020, mô hình được triển khai 05 ha, trong đó tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, quy mô 02ha/03 hộ tham gia và xã Lóng Phiêng huyện Yên Châu 03 ha/03 hộ tham gia.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, túi bao quả, được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và quy trình kỹ thuật thâm canh xoài an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP bằng phương pháp ghép cải tạo giống Xoài Đài Loan được ghép trên gốc Xoài địa phương. Mô hình được quản lý, chăm sóc tốt theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam (VietGAP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Quả xoài được tiến hành bọc túi bao quả, sử dụng phân bón, thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép sử dụng theo quy định. |
Quả xoài được tiến hành bọc túi bao quả, sử dụng phân bón, thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép sử dụng theo quy định của nhà nước.Việc quản lý sâu, bệnh hại được tuân thủ nghiêm ngặt, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Các hộ tham gia đã tăng cường chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật để tạo cho cây khỏe.
Bổ sung các loại chế phẩm ủ từ hạt ngô nghiền, bột cá, đậu tương… và chia nhỏ lượng phân NPK để bón 2 - 3 lần trong giai đoạn cây nuôi quả, giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây và cung cấp đầy đủ lượng phân cho giai đoạn phát triển quả xoài và tăng khả năng chống rụng quả non cho cây, tiến hành bao bọc quả ngay từ giai đoạn sớm để hạn chế sâu bệnh hại. Thường xuyên làm cỏ bằng máy, đốn tỉa, cắt bỏ, thu gom các cành có tàn dư sâu bệnh đi tiêu hủy, nhằm tạo cho cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại phát triển.
Bên cạnh đó, các hộ tham gia đã sử dụng chế phẩm phòng trừ nấm bệnh Nano bạc đồng Silic là thuốc trị nấm bệnh được sản xuất theo công nghệ nano với các hạt keo Bạc, Đồng, Silic ở dạng siêu nhỏ cỡ nano có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, diệt virus, chống nấm cho cây xoài.Quá trình thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly phân hóa học và phun thuốc hóa học trước khi thu hoạch tối thiểu 20 ngày. Đối với các hộ tham gia mô hình ghi chép đầy đủ thông tin vào “Sổ nhật ký chăm sóc bón phân, phun thuốc cho mô hình”.
Qua thời gian triển khai mô hình bước đầu đã làm thay đổi tập quán của người dân trong tư duy sản xuất, chuyển từ canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Vì thực hiện theo đúng hướng dẫn, đảm bảo các tiêu chí, chỉ tiêu về kỹ thuật nên chất lượng mẫu mã quả xoài được nâng lên, tỷ lệ xoài loại 1 của các hộ tham gia mô hình đạt đến 90%, giá bán được các thương lái trả cao hơn so với các hộ ngoài mô hình từ 1.500-2.000đ/kg, năng suất đạt trung bình của mô hình đạt 20 - 21tấn/ha, trừ chi phí lợi nhuận thu được trên 160 - 180 triệu đồng/ha.
Mô hình đã có tác động tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp bảo vệ sức khỏe của chính người trồng cây và người tiêu dùng. |
Ngoài ra do được phổ biến kỹ thuật, quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, tiến hành bao bọc quả xoài từ giai đoạn sớm và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thâm canh xoài an toàn nên mẫu mã quả đẹp hơn, hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa đá xảy ra trên địa bàn, không có tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mô hình đã có tác động tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp bảo vệ sức khỏe của chính người trồng cây và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc thâm canh, ghép cải tạo bằng các giống xoài có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Mô hình là điểm để các hộ nông dân trong vùng học tập, và làm theo mở rộng sản xuất, hướng tới các sản phẩm an toàn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Những kết quả bước đầu của dự án sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động vào những năm tiếp theo thuộc dự án trong việc thành lập Hợp tác xã và cấp Giấy chứng nhận VietGAP ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ, đưa sản phẩm xoài thành công trên con đường “xuất ngoại”.
Ánh Nguyệt - Sở KH&CN Sơn La
Đăng nhận xét