Giữa bạt ngàn cà phê có một vườn măng cụt sai trái, từ hàng chục năm nay mang lại no ấm cho người nông dân. Đó là vườn măng cụt của gia đình ông Vũ Hoàng Dũng, Thôn 1, xã Tân Lạc, Bảo Lâm.
Ông Vũ Hoàng Dũng (phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây măng cụt |
Khác với nhiều nông dân trong vùng thường gắn bó với cây cà phê, ngay khi định cư trên quê hương Bảo Lâm những năm 1990, ông Vũ Hoàng Dũng đã thử trồng ít cây măng cụt, giống cây vốn là đặc sản của xứ miền Tây Nam bộ sông nước. Măng cụt vốn lâu ra trái nhưng ông Dũng không nản lòng, vừa chăm vườn măng cụt, vừa trồng cà phê, rau màu để có thu nhập. Được chăm bón và hưởng khí hậu cao nguyên, vườn măng cụt ra trái vào năm thứ 7. Vậy là thành công, ông Dũng tiếp tục nhân rộng diện tích măng cụt vườn nhà. Hiện ông Dũng đang có vườn măng cụt trồng thuần trên 1 ha, với 120 cây đều đang cho trái, cây trồng lâu nhất đã ở tuổi 30, cây nhỏ nhất 16 năm.
Vừa tỉa lá cho măng cụt, ông Dũng cho biết: “Măng cụt ở Tân Lạc cho trái từ tháng 6 tới tháng 9 hàng năm, hơi lệch vụ so với các vùng măng cụt khác. Đất vùng này cũng hợp với cây măng, cây cho trái khá tốt. Như vụ năm 2018, 120 cây mà nhà tôi thu được 14 tấn trái, năng suất rất cao”. Ông Dũng cũng cho biết, măng cụt lâu ra trái và có một số bệnh cần chú ý như thán thư, sâu vẽ bùa, nhện đỏ. Khi cây đã lớn thì sức sống khỏe, cây bệnh, chết chủ yếu khi còn nhỏ.
Muốn cây măng nhanh lớn, khi mới trồng cần hạn chế nắng, che lưới để giảm nhiệt, giảm ánh sáng, giúp cây phát triển. Vì vậy, chăm măng cụt phải có “nghề”, sử dụng phân bón phải đảm bảo chất lượng tốt, tránh cây xì mủ. Giống măng cụt ra trái keo kiểu năm được năm mất nên phải rất chú trọng tới kỹ thuật chăm bón, tạo tán, tránh để cây mất sức, suy kiệt.
Măng cụt Tân Lạc vì ra trái khá ngon, lại lệch vụ nên giá bán trên thị trường rất ổn. Như ông Vũ Hoàng Dũng, vườn măng nhà ông cho thu 12-14 tấn trái/năm, với giá bán trung bình 50 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình thu xấp xỉ 450 triệu đồng/ha. Đặc biệt, chăm măng cụt cần kỹ thuật cao nhưng chi phí không quá tốn kém, công lao động không nhiều, rất phù hợp với nông hộ ít người. Cây không cần nhiều nước tưới, chỉ giữa mùa khô, khi đất quá hạn mới cần tưới 1 đến 2 lần là đủ cho cây măng vượt qua mùa khô. So với cây cà phê, cây măng cho thu nhập cao hơn nhiều lần.
Năm 2019, ông Vũ Hoàng Dũng đăng ký tiêu chuẩn VietGAP cho diện tích măng cụt của gia đình. Ông cho biết: “Trồng măng cụt theo VietGAP chú trọng đến chất lượng trái, bảo vệ môi trường. Cán bộ kỹ thuật đã đo đạc từ phân bón, chất đất, nước đạt chuẩn..., hướng dẫn kỹ thuật canh tác hạn chế thuốc trừ sâu, bệnh. Gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận VietGAP”. Ông cũng cho biết, trước mình trồng theo quan điểm cá nhân, theo kinh nghiệm, nay kết hợp cùng tiêu chí khoa học, có chứng nhận đầy đủ để trồng ra những trái măng ngon, sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Viết Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm chia sẻ: “Gia đình anh Vũ Hoàng Dũng là hộ nông dân giỏi, tiến bộ trong sản xuất, sẵn sàng áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Vườn măng cụt của gia đình anh là một trong những mô hình trồng cây ăn trái thành công của xã Tân Lạc, cũng là một trong 3 hộ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Hiện toàn xã cũng có nhiều hộ canh tác trái cây như sầu riêng, bơ, măng cụt xen lẫn trong vườn cà phê, tăng thu nhập trên một diện tích đất và anh Dũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với bà con”. Vườn măng cụt của ông Vũ Hoàng Dũng cho thấy, với sự mạnh dạn, sẵn sàng áp dụng cây trồng mới, kỹ thuật mới, người nông dân có thể làm giàu ngay từ mảnh đất quê hương.
DIỆP QUỲNH | BÁO LÂM ĐỒNG
Đăng nhận xét