“Cam, bưởi Lục Ngạn có nét đặc trưng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mời mọi người thưởng thức!” - Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) La Văn Nam tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí do UBND huyện tổ chức, chuẩn bị cho Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng từ ngày 20 đến 22/11 năm nay.
Bà Vũ Thị Phượng (ngoài cùng bên trái) dẫn khách thăm vườn bưởi của gia đình. |
Sản xuất cam, bưởi an toàn đón khách
Có đến vùng đất này mùa cam, bưởi mới thấy lời của Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn quả không sai. Trên khắp miền quê, từ Phượng Sơn đến Quý Sơn, Trù Hựu, Thanh Hải, Tân Quang, Tân Mộc… mọi nhà đua nhau chăm sóc cam, bưởi bảo đảm an toàn. Vườn bưởi ngọt của gia đình bà Vũ Thị Phượng, thôn Tân Trường, xã Thanh Hải là ví dụ. Từ xa đã thấy những cành bưởi trĩu quả xòa xuống đường thôn. Trong vườn, hàng vạn trái bưởi vàng óng, chen chúc, thơm lựng khiến ai cũng ngỡ ngàng. Mọi người phải lách qua các chùm bưởi đu đưa mới đến được khu nhà tạm giữa vườn.
Vừa mời khách thưởng thức những múi bưởi mọng, ngọt, bà Phượng chia sẻ, gia đình có 600 cây bưởi, sản lượng vụ này đạt hơn 5 vạn quả, ước thu khoảng 1 tỷ đồng. “Năm nay, vườn này được huyện chọn làm điểm để du khách đến tham quan. Đây là niềm vui của những người làm vườn chúng tôi. Bởi ngoài bán bưởi còn có thêm thu nhập từ du khách”, bà Phượng phấn khởi nói.
Cũng có vườn bưởi, cam đẹp là gia đình ông Thang Văn Năm, thôn Tân Tiến, xã Tân Quang. Ông Năm không giấu niềm vui vì cây bưởi ngọt hơn 10 năm tuổi có thân, cành đẹp nhất vườn nhà, hơn 300 quả được xã Tân Quang chọn dự thi Cây đẹp tại Hội chợ cam, bưởi năm nay. Theo chủ vườn, chỉ riêng cây bưởi này năm ngoái cho ông thu gần 9 triệu đồng tiền quả.
Không chỉ hộ bà Phượng, ông Năm đang tích cực chăm cây, háo hức chờ ngày mang sản phẩm chất lượng cao đi thi mà nhiều chủ vườn cũng tích cực sửa sang vườn, chăm sóc cây trái đón du khách. Anh Mạc Văn Uyên, thôn Nam Điện, xã Nam Dương cho biết, vườn nhà cùng với 3 hộ khác được chọn làm điểm đón khách trải nghiệm mùa cam, bưởi năm nay. Cùng đó, xã Nam Dương dự định sẽ chọn cây, trái cam ngọt và lòng vàng đẹp nhất trong nhóm hộ này để dự thi nên các gia đình luôn chú trọng chăm sóc những mong sản vật đoạt giải cao.
Theo Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp Lục Ngạn, toàn huyện có hơn 1,72 nghìn ha cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP với hơn 4 nghìn hộ tham gia. Các vùng sản xuất bảo đảm an toàn này tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Mộc, Thanh Hải, Hồng Giang...
Vườn cam của gia đình anh Mạc Văn Uyển (thứ 2 từ phải sang), thôn Nam Điện, xã Nam Dương. |
Theo UBND huyện Lục Ngạn, 2020 là năm đầu tiên huyện chọn 25 nhà vườn tiêu biểu tại 6 xã, gồm: Nam Dương, Tân Quang, Tân Mộc, Quý Sơn, Thanh Hải và Hồng Giang để xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với danh lam, di tích văn hóa, làng nghề của địa phương đón khách tham quan.
Các nhà vườn đều sản xuất theo quy trình VietGAP. Quả, cây có mã đẹp, trái sai, thơm ngon và đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời điểm này đã có hàng chục đoàn khách đến trải nghiệm, đều cảm nhận dấu ấn tốt đẹp.
Hướng tới vùng trái ngọt trọng điểm bền vững
Năm nay, lần đầu tiên huyện Lục Ngạn tổ chức thi vườn, cây cam ngọt, cam lòng vàng và bưởi ngọt đẹp trong khuôn khổ Hội chợ. Tiêu chí được Ban tổ chức đưa ra là cây sinh trưởng và phát triển đều, lá xanh, tán cây và quả phân bổ đều. Quả sai tự nhiên, to đều, vỏ bóng, nhẵn, không vết sẹo và màu đặc trưng. Tuổi cây và lượng quả phải bảo đảm các tiêu chí Ban tổ chức đưa ra. Riêng vườn cây phải thuần loài đẹp, không trồng xen với cây khác. Những vườn này được chăm sóc tốt, cây không bị sâu, bệnh, vệ sinh sạch sẽ và tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ...
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện La Văn Nam, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của T.Ư và của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo phát triển tập đoàn cây ăn quả theo hướng đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị. Từng bước đưa Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước.
Để có những vườn cam, bưởi chất lượng cao, bán được giá lại thu hút khách du lịch, nhiều năm qua, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các đoàn thể từng bước quy hoạch vùng trồng, nâng chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc. Huyện yêu cầu chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các địa phương lồng ghép các nguồn vốn, hỗ trợ hàng tỷ đồng thực hiện các mô hình theo quy trình VietGAP, tưới nước nhỏ giọt, trồng thử nghiệm giống mới và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...
“Việc mở ra các cuộc thi chất lượng trái cây, vườn, cây đẹp nhằm gây dựng phong trào sản xuất sạch, vừa nâng cao giá trị sản phẩm cây có múi, vừa thu hút khách du lịch, mang lại nguồn thu bền vững cho nông dân”, ông Nam nói.
Thế Đại - Báo Bắc Giang
إرسال تعليق