Huyện Bình Tân được biết đến là địa phương không chỉ có thế mạnh về chuyên canh màu, với tổng diện tích sản xuất hàng năm trên 20.000ha, lớn nhất trong tỉnh Vĩnh Long mà người dân ở đây còn biết tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng để phát triển diện tích vườn cây ăn trái, với các loại cây trồng như: cam, sầu riêng, nhãn, mít Thái, mận,.......
Mận An Phước mùa nghịch được nhà vườn Bình Tân bao trái |
Tuy diện tích vườn cây ăn trái của huyện Bình Tân không lớn bằng các huyện khác trong tỉnh Vĩnh Long như: Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình hay Vũng Liêm nhưng với tổng diện tích hiện có của huyện trên 3.300ha, hàng năm cũng đóng góp quan trọng vào tổng giá trị ngành nông nghiệp chung của huyện.
Trong đó, nhiều loại cây trồng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà vườn như: sầu riêng, mận, cam, nhãn, mít Thái..... Đáng chú ý, mô hình trồng mận của nhà vườn huyện Bình Tân cũng mang lại hiệu quả rất cao, đặc biệt là được xử lý ra hoa mùa nghịch sẽ tăng lợi nhuận gấp từ 2 lần so với mùa thuận.
Nói đến mô hình trồng mận ở huyện Bình Tân - đây không phải là mô hình mới được phát triển trong vài năm gần đây mà nó đã phát triển mạnh vào những năm 2008 - 2011, nhưng do tình trạng "cung vượt cầu" khiến cho giá mận xuống mức thấp, có thời điểm chỉ còn từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, nhà vườn thua lỗ nặng nên tiến hành đốn bỏ để trồng các loại cây ăn trái khác.
Tuy nhiên, trong khoảng gần 4 năm trở lại đây, do nhu cầu của thị trường nên mô hình trồng mận tại các xã Tân An Thạnh, Tân Lược, Tân Hưng, Tân Bình..... đã dần dần phát triển mạnh trở lại. Qua quá trình sản xuất, đúc kết kinh nghiệm, nhà vườn đã có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo nhằm phòng ngừa sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư sản xuất và cung ứng ra thị trường sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Trần Văn Be - Giám đốc HTX cây ăn trái Tân Khánh - xã Tân Lược, huyện Bình Tân chia sẻ: trước đây, sở dĩ giá mận đứng ở mức thấp là do mận An Phước không an toàn với người trồng và người tiêu dùng, do trái mận là thức ăn “khoái khẩu” của ruồi đục trái nên nhà vườn phải phun thuốc hóa học định kỳ 4-5 ngày/lần ở giai đoạn mang trái. Từ đó, người tiêu dùng rất hạn chế sử dụng loại trái cây này, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình.
Người dân "Trùm mùng" để hạn chế sâu bệnh |
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của thị trường, nhà vườn ở Bình Tân đã áp dụng các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường, an toàn đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị của cây mận An Phước nói riêng và các loại mận nói chung.
Biện pháp được nhiều nhà vườn áp dụng là bao trái bằng túi nylon mỏng trong suốt (có khoảng hở ở 2 bên góc đáy túi nhằm đảm bảo trái cây luôn thông thoáng và đạt chất luợng cao). Khi trái lớn bằng cỡ ngón tay cái thì tiến hành tỉa bớt trái đeo (trái nhỏ, dị dạng, bị sâu bệnh), phun thuốc xử lý sâu bệnh lần cuối trước khi bao trái. Trái được bao phát triển nhanh, có mẫu mã đẹp; đặc biệt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì không sử dụng thuốc hóa học. Đây là biện pháp ít tốn chi phí mua vật liệu nhưng tốn nhiều công bao trái.
“Trùm mùng” là cách gọi khác của việc bao lưới cho toàn vườn cây để có sản phẩm mận an toàn là một giải pháp khác được nhà vườn trồng mận An Phước ở huyện Bình Tân áp dụng. Trước khi bao lưới, vườn mận được chăm sóc tốt để có cơi lá xanh tươi, xử lý sâu bệnh gây hại. Sau đó chủ động xử lý ra hoa và khi cây ra hoa rộ bắt đầu “trùm mùng” phủ cả vườn, giằng mùng tới mặt đất. Thời gian trùm vườn bằng lưới cước để bảo vệ vườn mận bắt đầu từ khi ra hoa tới khi hái trái.
Vườn được “trùm mùng” ngoài việc bảo vệ trái không bị ruồi đục trái, sâu hại tấn công thì còn giảm được lượng nước tưới. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt cho vụ trái kế tiếp, sau khi thu hoạch trái cần dỡ mùng để vườn cây quang hợp bình thường kết hợp với chăm sóc đầy đủ để có cơi đọt mới khỏe mạnh. Giải pháp “trùm mùng” đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá cao, khoảng 4-6 triệu đồng/công nhưng thời gian sử dụng kéo dài từ 2-3 năm nên tổng chi phí vẫn rẻ hơn so với biện pháp bao trái.
Song song đó, ngành nông nghiệp huyện Bình Tân còn hướng dẫn nhà vườn ứng dụng chất dẫn dụ sinh học để bảo vệ trái khỏi ruồi đục trái. Đây cũng là giải pháp an toàn cho cả người sản xuất lẫn sản phẩm mận làm ra. Chất dẫn dụ sinh học là hỗn hợp của chất dẫn dụ và chất diệt trừ ruồi đục trái.
Thương lái đang thu mận |
Chất dẫn dụ sinh học có tính hấp dẫn rất mạnh và diệt trừ rất hiệu quả với ruồi đục trái (cả con đực lẫn con cái); đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trái cây; sức khỏe con người được bảo vệ và không gây ô nhiễm môi trường. Chi phí thấp nhờ đỡ tốn công và tiền. Theo ngành chuyên môn, vườn sử dụng chất dẫn dụ sinh học mật độ ruồi đục trái xuất hiện trong vườn giảm đến 80%, tỷ lệ trái được bảo vệ 90%. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả bảo vệ cao, giải pháp sử dụng chất dẫn dụ sinh học cần được áp dụng đồng loạt và thường xuyên trong từng khu vực có quy mô 40-50 ha trở lên.
Theo nhà vườn, mận được xử lý trong mùa nghịch bán giá cao hơn gấp từ 2 - 3 lần so với mùa thuận, cụ thể mận An Phước được thương lái thu mua với giá trên 40.000 đồng/kg và mận Hồng Đào Đá trên 20.000 đồng/kg. Cũng theo nhà vườn cho biết, tuy năng suất thấp hơn so với mùa thuận nhưng với mức giá bán như trên, nhà vườn phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao.
Trong vài năm gần đây, cây mận được xem là một trong các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với nhà vườn ở huyện Bình Tân nên diện tích loại cây ăn trái này đang phát triển mạnh trở lại tại nhiều địa phương như: Tân An Thạnh, Tân Lược, Tân Hưng, Tân Bình.
Thăm vườn mận An Phước trái khủng muốn gãy cành ở Bình Tân - Vĩnh Long
Trung Thành | Trang tin điện tử ngành NN&PTNT Vĩnh Long
إرسال تعليق