Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và một số yếu tố khác, nên đầu vụ thu hoạch, giá bơ booth Đắk Nông xuống thấp kỷ lục, khiến cho người trồng bơ rất thất vọng.
Anh Phạm Vĩnh San, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) tìm cách neo quả chờ giá bơ lên |
Rớt giá vì Covid-19
Vụ thu hoạch bơ booth hàng năm thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11. Với những ưu điểm như thời gian chín kéo dài, vỏ dày, cơm dày, ruột béo, nên bơ booth là một loại bơ có giá bán cao, đem lại nguồn thu lớn cho người trồng nhiều năm trở lại đây. Thế nhưng năm nay, người trồng bơ booth lại buồn rầu vì giá xuống thấp nhất trong vòng khoảng 10 năm qua.
Gia đình anh Hoàng Văn Đông, thôn 2, xã Quảng Tín (Đắk R'lấp), có gần 1 ha bơ booth trồng xen trong cà phê. Những năm trước, đến mùa thu hoạch bơ booth, anh luôn có được một khoản thu nhập khá để trang trải cuộc sống. Nhưng năm nay, giá bơ xuống thấp, khiến anh rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Anh Đông so sánh, năm 2019, giá bơ booth (loại khoảng 3 quả 1 kg) vào khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay bơ chỉ có giá 10.000 đồng/kg.
Không chỉ các nhà vườn, các trang trại bơ có chứng nhận VietGAP cũng không vui, vì giá bơ đầu mùa xuống thấp. Theo anh Phạm Vĩnh San, chủ trang trại 10 ha bơ booth tại thôn Hòa Phong, xã Đắk Sắk (Đắk Mil), vườn bơ VietGAP của gia đình anh năm nay tiếp tục được mùa, sản lượng khoảng 40 tấn. Nếu với giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg như năm 2019, gia đình anh sẽ thu về khoảng 1,2 tỷ đồng. Thế nhưng, năm nay giá bơ vào vụ tại địa bàn chỉ dao động 10.000-12.000 đồng/kg (chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm ngoái), nên anh cố gắng neo trái trên cây thêm một thời gian để chờ giá lên.
Bơ booth có giá khoảng 10.000 đồng/kg, rẻ nhất trong vòng chục năm qua |
Theo chị Mai Thị Thúy, người chuyên kinh doanh bơ tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp), mùa bơ booth năm nay giá xuống mức thấp nhất trong vòng chục năm qua. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là trong hai tháng gần đây. Những năm trước vào vụ bơ booth, mỗi ngày chị gửi từ 1-2 tấn quả cho bạn hàng khắp cả nước, có ngày không đủ hàng. Nhưng hiện nay chị chỉ tiêu thụ được khoảng 3-5 tạ/ngày, bạn hàng chủ yếu là ở miền Đông Nam Bộ, miền Tây.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh, tư thương buôn bán trái cây tại chợ Gia Nghĩa cho rằng, bơ booth rớt giá là do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Bơ booth có thời gian chín khá dài (khoảng 5-7 ngày), nên luôn có nhiều khách hàng chọn mua làm quà biếu. Nhưng năm nay, khi bơ vào vụ lại xảy ra dịch bệnh, người dân ít đi lại, nhiều cửa khẩu cũng đóng cửa, nên sản lượng bơ tiêu thụ đã giảm đi gần một nửa so với năm trước. Do đó, nguồn cung đã lớn hơn cầu và dẫn đến bơ rớt giá mạnh.
Sản xuất còn thiếu bền vững
Cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người cho rằng, việc giá bơ năm nay xuống thấp còn do cung vượt cầu. Những năm gần đây, diện tích các loại bơ, trong đó có bơ booth, của Đắk Nông đã tăng mạnh và sản lượng bơ hàng năm cũng tăng lên một cách đột biến, dẫn đến tiêu thụ không xuể.
Nhiều tư thương ở chợ Gia Nghĩa có lượng bơ bán ra bằng 1/2 so với mọi năm |
Cụ thể, theo thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, năm 2018, diện tích bơ của tỉnh là 1.537 ha. Đến cuối năm 2019, ước diện tích bơ của tỉnh gần 3.800 ha, đạt hơn 134% so với kế hoạch năm. Sản lượng bơ năm 2019 của tỉnh đạt trên 15.000 tấn.
Một nguyên nhân khác cũng khiến cho bơ rớt giá là do sản xuất còn thiếu tính liên kết theo chuỗi, nên chịu nhiều ảnh hưởng của thị trường. Hiện nay, quả bơ của tỉnh vẫn chủ yếu bán tươi, khâu sơ chế, chế biến chưa được quan tâm, chưa có sự đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm.
Những năm qua, tỉnh cũng đã tổ chức, tham gia các chương trình, hội nghị xúc tiến thương mại về tiêu thụ bơ. Cụ thể như tổ chức chương trình "Đắk Nông mùa bơ chín” năm 2018, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ... Mặc dù vậy, đối với sản phẩm bơ, việc tiêu thụ vẫn chưa có bước tiến thật sự.
Bài, ảnh: Hồng Thoan | Báo Đắk Nông
إرسال تعليق