Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng cao, nhiều hộ nông dân xã Bồ Lý (Tam Đảo) đã chuyển đổi từ trồng cây sắn, bạch đàn lấy gỗ sang mô hình trồng cây na dai, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, đây cũng là cây hàng hóa chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Với 0,5 ha diện tích trồng na dai, mỗi năm, gia đình chị Lương Thị Phượng, thôn Đồng Bụt, xã Bồ Lý thu nhập gần 100 triệu đồng. |
Những ngày này, nhiều hộ nông dân xã Bồ Lý đang bước vào vụ thu hoạch na dai. Không khí thu mua tại các vườn, vựa na diễn ra tất bật, nhộn nhịp với nhiều thương lái các nơi đổ về.
Chị Lương Thị Phượng, thôn Đồng Bụt, xã Bồ Lý cho biết, mấy năm trước vào mùa na dai chín, chị thường chở na đi các chợ để bán lẻ nhưng 3 năm gần đây, vào mùa thu hoạch na từ tháng 6 (ÂL) đến tháng 8 (ÂL), ngày nào gia đình chị Phượng cũng có thương lái các nơi gọi điện đặt mua na tại vườn. Với gần 600 gốc na, trung bình mỗi ngày đầu vụ gia đình chị Phượng thu hoạch hơn 1 tạ na/ngày, nhưng vào thời điểm giữa vụ thu hoạch từ 4 – 5 tạ na/ngày.
Cũng như gia đình chị Phượng, hơn nửa tháng nay, ngày nào vợ chồng chị Phạm Thị Tám, thôn Ngọc Thụ, xã Bồ Lý cũng tất bật dậy từ 3 – 4 giờ sáng để chuẩn bị công việc hái na. Nhiều năm nay, vườn na dai của gia đình chị cho thu hoạch hơn 100 triệu đồng/năm.
Mặc dù so với năm trước, cây na dai năm nay cho nhiều quả sai, song do ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu nắng nóng kéo dài, những trái na đầu vụ quả không được to, dẫn đến chất lượng, năng suất đầu vụ cũng kém hơn.
Tuy nhiên, về giá cả thì vẫn giữ ổn định so với mọi năm, với giá na bán buôn dao động từ 30 nghìn đồng – 45 nghìn đồng/kg. Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình chị Tám thu nhập từ 2- 3 triệu đồng tiền na, vào thời điểm vườn na chín rộ thu nhập gần 10 triệu đồng/ ngày.
|
Chị Tám cho biết: “So với cây trồng khác, cây na dai cho thu hoạch khoảng 2 tháng, hiệu quả thu nhập hàng năm cao hơn. Để có được năng suất, chất lượng cao, người trồng na phải nắm rõ quá trình sinh trưởng, cắt tỉa, bón phân đúng thời điểm. Đơn cử, trước đây, cây na dai chỉ tập trung cho thu hoạch rộ trong vòng một tháng, nhưng đến nay bà con nông dân trồng na nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật thụ phấn nhân tạo, thời gian thu hoạch quả na dai được kéo dài hơn và theo ý muốn”.
Hiện nay, xã Bồ Lý có gần 500 hộ nông dân trồng cây na dai với tổng diện tích hơn 83 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Ngọc Thụ, Trại Mái, Tân Lập, Đồng Bụt...Do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu nên quả na dai Bồ Lý khẳng định thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng, thương lái các nơi đều tin tưởng, mua bán đúng hẹn.
Ông Đỗ Xuân Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bồ Lý cho biết, so với cây na dai được trồng ở nhiều địa phương khác, cây na dai trồng trên đất đồi Bồ Lý có hương vị ngon, ngọt, thơm hơn.
Để nhân rộng mô hình trồng cây na dai, những năm qua, xã thường xuyên chỉ đạo, khuyến khích bà con nhân dân mở rộng diện tích trồng na theo hướng phát triển quy hoạch có bài bản; vận động bà con tham gia các lớp tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào việc cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc, thu hoạch, đảm bảo sản phẩm na sạch, an toàn.
Xã phối hợp với Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật huyện Tam Đảo tổ chức lớp học IPM trên cây na tại xã, giúp bà con nông dân trồng na nắm rõ thêm các kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên cây na, từ đó, năng suất, sản lượng cây na dai ở Bồ Lý mỗi năm đều tăng.
Thương hiệu Na dai Bồ Lý của HTX Nông nghiệp-Dịch vụ và thương mại Tam Đảo. |
Là một trong 4 hộ dân chuyên thu mua na của bà con trong xã, chị Trần Thị Bảo ở xã Bồ Lý cho biết, trước đây chỉ có thương lái trong tỉnh đến thu mua na, mấy năm gần đây, qua các kênh thông tin truyền thông, mạng internet, nhiều thương lái ở Hà Nội,Việt Trì (Phú Thọ) đã tìm về đây liên hệ để đặt mua na từ đầu vụ. Trung bình mỗi ngày, vựa na của gia đình giao buôn khoảng hơn 1 tấn na. Với quả na dai to, đẹp loại 1 có giá bán giao buôn từ 40 – 45 nghìn đồng/kg.
Na dai Bồ Lý ngày càng khẳng định được về chất lượng và thương hiệu riêng, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân trong xã; góp phần thay đổi diện mạo ở vùng đất vốn đồi núi, ruộng đồng manh mún khó canh tác.
Thanh Tuyền - Báo Vĩnh Phúc
إرسال تعليق