Thanh thoát và ngọt dịu. Đó là cảm giác của tôi khi thưởng thức múi cam vừa chín tới mà người ở vườn cam Nam Đông mời khách. Mới chớm thu, cam trên vườn đa phần còn xanh, phải chừng hơn tháng nữa chúng mới bắt đầu.
Từ những ngày đầu dò dẫm với không ít sự trả giá, đến việc cam được Nam Đông xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực là cả một câu chuyện dài. Một nhãn hiệu tập thể được xây dựng, bao gồm quả cam tươi, cây cam giống và dịch vụ mua bán đã được huyện xác lập và công bố vào đầu tháng 10 năm 2019. Điều này mở ra một hướng phát triển vùng cây ăn quả mới trên huyện miền núi cao. Trong đó, điểm mấu chốt nhất vẫn là chất lượng của giống cam - thành tố quan trọng nhất để nhận diện đặc sản và vùng đặc sản.
Thực ra, những gì đã làm để nhận diện cam Nam Đông, cũng mới chỉ là những thành quả ban đầu. Chính quyền địa phương hiện đang nỗ lực rất nhiều để có thể mở rộng diện tích trồng cam từ 130 ha lên 200-250 ha. Vấn đề cơ bản ở đây là người dân đã được hưởng lợi rất nhiều từ cam. Tự họ cũng đang tìm cách mở rộng các vườn cam của mình khi doanh số vào mùa cam khoảng 400 triệu đồng/ha. Những thửa đất trồng keo đang được san ủi, bật gốc, làm lại đất, chuẩn bị cho mùa trồng cam mới đã mình chứng điều này.
Người dân địa phương đang tự hào về nhãn hiệu tập thể “Cam Nam Đông”. |
Trên xe xuôi vườn cam, chị Lê Thị Thu Hương, Bí thư Huyện ủy cho hay, vào mùa, rất khó chạy xe vào vườn vì dòng người đến mua cam quá đông. Chị kể có lần vào đến nửa đường phải quay ra vì biết mình “đọ” không lại với bà con đang kiên nhẫn chờ đến lượt cả một hàng dài. Cơ mà vẫn vui – chị bảo – chỉ tiếc là cam Nam Đông chưa thể “phủ sóng” rộng rãi hơn vì mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bà con nội vùng.
Quả mới chín đã hết, nói gì xuống chợ hay đi xa hơn vào những nhà hàng cao cấp ở Huế và những nơi khác. Động viên, khuyến khích, tạo cơ hội và điều kiện cho bà con là điều đang được làm, nhưng để đặc sản cam Nam Đông có thể trở thành hàng hóa lại là một câu chuyện khác nữa, nhất là khi cây cam sống tốt, chất lượng đảm bảo thì chỉ có Hương Hòa, Hương Giang và Hương Phú (nay là Hương Xuân).
Trong một biên độ rộng, đặc sản không chỉ là sản vật (sản phẩm, hàng hóa) có nhiều điểm đặc biệt, mang tính đặc thù, riêng có của một vùng/miền nào đó, mà phải là một phần của khái niệm mua bán hàng hóa địa phương và nền kinh tế địa phương; cũng không chỉ đơn thuần là một khái niệm địa lý, dù những sản phẩm này có chứa những chỉ dẫn địa lý về vùng, miền, quốc gia nó xuất xứ.
Đặt trong biên độ này, có thể nhận thấy điểm tích cực của cam Nam Đông qua sự định danh và nhận diện, cũng như tiềm năng để có thể mở rộng hơn ở tương lai. Điểm giới hạn là ở chỗ, mức độ phổ quát trong tiêu dùng còn hạn hẹp do cung chưa đủ cầu. Việc tiêu thụ nội vùng một mặt cho thấy mức sống và “độ khát” của bà con đã cao hơn hẳn. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để đặc sản cam Nam Đông trở thành hàng hóa, và khi trở thành hàng hóa, phải bảo đảm được các chuẩn đã được xây dựng ở nhãn hiệu tập thể.
Hiện nay, Nam Đông đã trồng được 4 loại cam khác nhau. |
Chúng ta có rất nhiều đặc sản. Có những thứ có thể đã trở thành phổ biến và dễ tìm khi đến Huế hoặc đem về từ Huế, nhưng cam Nam Đông, thanh trà Huế, trà rau má hay rượu vang vả… cho đến bây giờ vẫn đang là đặc sản diện hẹp, dù chúng có những nội hàm khác nhau về nguyên nhân. Việc nhân diện để phổ quát hơn, chừng như vẫn đang còn chờ một liệu pháp đủ mạnh?
MINH HÀ - TTH
إرسال تعليق