Càng về cuối vụ, giá sầu riêng các loại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông càng giảm. Theo các chủ vựa sầu riêng, do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, sầu riêng chủ yếu tiêu thụ tại các chợ nội địa, nên giá mua giảm. Dù rớt giá, nhưng sầu riêng vẫn đem lại nguồn thu chính cho nhiều hộ nông dân.
Sầu riêng cuối vụ rớt giá, nhưng nhiều nông dân vẫn lạc quan |
Càng cuối vụ càng rớt giá
Hiện nay, giá sầu riêng Thái Lan loại 1, thương lái mua trên dưới 40.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với đầu vụ; sầu riêng Ri6 từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg so với đầu vụ… Như vậy, giá sầu riêng hiện nay bình quân thấp hơn vụ mùa năm 2019 khoảng từ 15.000 -20.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp kỷ lục của sầu riêng trong nhiều năm qua.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, một chủ vựa thu mua sầu riêng trên địa bàn phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa), càng về cuối vụ, giá sầu riêng càng giảm. Nguyên nhân do vào cuối vụ sản lượng sầu riêng thấp, thương lái đóng hàng không đủ chuyến, chủ yếu bán cho các chợ địa phương, nên giá giảm. Đặc biệt, trong những ngày vừa qua, khi tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, giá sầu riêng lại có chiều hướng giảm thấp hơn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nam, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), có hơn 50 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông đã hái bán được 2 đợt, số còn lại trên cây cũng còn khá nhiều. Ông Nhất cho hay, phần lớn sầu riêng trong vườn đều được ông hái bán với giá 45.000 đồng/kg. Còn lại khoảng 1/3 vườn ông đang thu hoạch, nhưng giá bỗng giảm sút bất ngờ. Điều này khiến gia đình ông thất thu hàng chục triệu đồng.
Theo ông Nam, nếu giá vẫn giữ nguyên như đầu vụ, với 50 cây sầu riêng, gia đình ông thu sẽ về gần 200 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay mức thu nhập từ vườn sầu riêng ước tính giảm sút mất tầm 1/3.
Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng bày tỏ tiếc nuối vì sầu riêng rớt giá. Mặc dù vậy, họ cũng hiểu được những nguyên nhân khách quan của tình trạng này và hy vọng những năm tới, sầu riêng sẽ tăng giá trở lại. Ngoài ra, bà con nông dân cũng tập trung chăm sóc để vườn sầu riêng phát triển, đạt năng suất tốt vào vụ tới.
Vườn sầu riêng của anh Ngô Quang, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) đạt năng suất cao nhờ chăm sóc, phòng bệnh hợp lý |
Vẫn giữ thế chủ lực
Dù rớt giá khá mạnh, nhưng đối với nhiều bà con nông dân, cây sầu riêng vẫn giữ thế chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn thu chính trong cả năm. Gia đình ông Trần Văn Tính, ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) trồng trên 100 cây sầu riêng. Vụ sầu riêng năm nay, gia đình ông Tính thu hoạch được 16 tấn quả. Thương lái đến vườn mua với giá 39.000 đồng/kg, ông cũng thu về khoảng trên 500 triệu đồng. Ông Tính chia sẻ: “Trường hợp giá bán chỉ ở mức 39.000 đồng/kg thì với số lượng sầu riêng lớn đã phần nào bù đắp được nguồn thu. Vườn sầu riêng gia đình tôi đạt trung bình trên 100 trái/cây/năm, với sản lượng bình quân từ 25 – 30 tấn/ha. Như vậy là đạt năng suất cao và nguồn thu của gia đình năm nay vẫn ổn”.
Ông Tính cho rằng, để cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển ổn định, cho quả có chất lượng, người trồng phải biết tuân thủ chế độ chăm sóc. Để quả sầu riêng được người tiêu dùng đánh giá cao, người trồng phải áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nhất là phải am hiểu hệ sinh thái vườn.
Theo ông Lê Văn Ba, ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil), thông thường sầu riêng đầu vụ thường có giá cao, nhiều người cố gắng cho sầu riêng ra hoa, kết trái sớm để đón đầu về giá. Thế nhưng năm nay, thời tiết không thuận lợi, nên đa số sầu riêng ra quả muộn. Cùng với đó, trong giai đoạn ra hoa, đậu quả, đa số các vườn sầu riêng gặp khô hạn, sâu bệnh, nên mất mùa.
Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp – PTNT), trong thời gian qua, giá trị xuất khẩu một số loại trái cây giảm mạnh, trong đó có sầu riêng. Giá trị xuất khẩu sầu riêng trong nửa đầu năm 2020 chỉ đạt 18 triệu USD, giảm gần 88% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm mạnh nhất trong các mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm nay. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bị hạn chế, phải trông chờ tiêu thụ trong nước nên cung vượt cầu. Ngoài ra, qua theo dõi nhiều năm, vào đầu vụ giá sầu riêng tăng cao, chính vụ giá trở lại ổn định và cuối vụ giảm mạnh. Năm nay, giá đã thấp, cuối vụ lại giảm sâu, khiến nông dân thất thu đáng kể.
Nông dân vẫn có lãi dù giá sầu riêng giảm mạnh | VTC16
Bài, ảnh: Thành Tâm | Báo Đắk Nông
إرسال تعليق