Trồng vải theo quy trình VietGap đang là xu hướng được nhiều nông dân huyện Phù Cừ theo đuổi, bởi mô hình này không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ với người tiêu dùng, từ đó hướng tới thị trường xuất khẩu.
Thu hoạch vải lai chín sớm tại xã Tam Đa (Phù Cừ) |
Những ngày này, anh Nguyễn Văn Lãm, ở xã Tam Đa dành phần lớn thời gian ở ngoài vườn để trông nom và thu hoạch vải đang vào độ chín. Gia đình anh hiện trồng hơn 1 mẫu vải theo quy trình VietGap. Theo anh Lãm, tham gia mô hình này, các khâu, các bước trong quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ. Trong quá trình chăm sóc, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp), tăng cường bón phân hữu cơ. Cây vải có sức đề kháng tốt, quả to, mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon hơn cách trồng vải truyền thống.
Anh Lãm cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng vải theo kinh nghiệm. Năm 2017, khi tham gia hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thắng Lợi, tôi bắt đầu sản xuất vải theo quy trình VietGap, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc vải sạch. Nhờ đó vườn vải của gia đình tôi cho sản lượng từ 5 – 6 tấn quả, với giá bán hiện nay từ 20.000 – 22.000 đồng/kg, dự kiến tôi thu được trên 100 triệu đồng”.
Những ngày này, có mặt tại xã Tam Đa, chúng tôi được chứng kiến niềm vui được mùa vải của nông dân. Trên những con đường liên thôn, liên xã tấp nập xe cộ của người mua, người bán. Các chuyến xe đầy ắp vải chín mọng liên tục tỏa đi các hướng.
Xã Tam Đa hiện có 220ha diện tích vải lai chín sớm, trong đó có 70ha sản xuất theo quy trình VietGap thuộc HTX nông nghiệp Thắng Lợi. Ông Nguyễn Tiến Thiều, đại diện HTX cho biết: “Vải sản xuất theo quy trình VietGap đạt giá trị cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống khoảng 30%, với quá trình sản xuất yêu cầu khắt khe. Thời điểm này, HTX đang nỗ lực cùng chính quyền địa phương, cùng sự hỗ trợ của tỉnh, huyện để tìm nguồn tiêu thụ phù hợp để bảo đảm giá trị sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ, tránh bị thương lái ép giá”.
Thăm vùng vải VietGap của HTX nông nghiệp Thắng Lợi (xã Tam Đa) |
Hai vụ vải năm 2018 và 2019, sản phẩm vải lai chín sớm được sản xuất theo quy trình VietGap của HTX nông nghiệp Thắng Lợi được đưa vào quảng bá, tiêu thụ tại 30 siêu thị tại các tỉnh phía Bắc, mỗi vụ bán được trên 20 tấn quả. Năm 2020, HTX có 20ha trồng vải VietGap được cấp mã OTAS xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường châu Âu.
Đồng chí Doãn Thanh Luận, Phó Chủ tịch xã Tam Đa cho biết: “Việc sản xuất vải theo quy trình VietGap, có tem truy xuất nguồn gốc khiến người tiêu dùng tin tưởng và giúp quả vải lai chín sớm có giá trị cao hơn”.
Chị Lý, một thương lái chuyên thu mua vải lai chín sớm xuất bán sang thị trường Trung Quốc cho biết: “Vụ thu hoạch vải năm nào tôi cũng về xã Tam Đa để gom hàng vì chất lượng quả vải chín sớm trồng ở đây rất thơm ngon. Đặc biệt vài năm gần đây nhân dân địa phương đầu tư trồng vải theo quy trình VietGap thì quả vải có mẫu mã và chất lượng ngon hơn, không bị sâu đầu. Vì vậy khách hàng rất hài lòng”.
Huyện Phù Cừ hiện có 836ha diện tích trồng vải, trong đó có gần 106ha trồng vải đã được cấp giấy chứng nhận VietGap, tập trung ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Phan Sào Nam.
Quả vải VietGap có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon nên được thương lái đánh giá cao |
Xã Phan Sào Nam cũng là vùng có diện tích trồng vải trứng Hưng Yên lớn nhất tỉnh với gần 80ha. Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam cho biết: “Để bảo đảm chất lượng sản phẩm vải trứng Hưng Yên ra thị trường, năm 2018, xã đã thành lập HTX Quyết Tiến sản xuất vải trứng theo quy trình trồng VietGap. Sản phẩm vải trứng sạch, chất lượng, mẫu mã đạt chuẩn theo tiêu chuẩn VietGap tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng”.
Ông Doãn Trung Long, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cừ cho biết: Hướng đến sản xuất vải an toàn, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, kỹ thuật trồng vải theo quy trình VietGap; kiểm tra, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ dịch hại cho cây vải theo quy trình VietGap gắn với các yêu cầu về điều kiện sản phẩm an toàn; khuyến cáo danh mục thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong vùng sản xuất vải... Bởi vậy, chất lượng quả vải tốt hơn so với các vườn trồng theo kinh nghiệm. Quả vải không còn tồn dư nấm bệnh hại, mã quả sáng đẹp hơn, ăn thơm ngọt hơn, đặc biệt là không bị sâu đầu. Bên cạnh đó, giá bán vải VietGap cao hơn từ 15 – 25% so với sản phẩm cùng loại (không VietGap) trên thị trường.
Vải chín sớm Tam Đa được mùa, được giá
Dương Miền - Nguyễn Nhân | Báo Hưng Yên
Đăng nhận xét