Cam bù Sen ở Anh Sơn từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ bởi màu đỏ gạch đẹp mắt mà còn có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, cùi tan giòn. Đặc sản này đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây, đặc biệt vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Ông Phạm Văn Ngọc - thôn 2 xã Khai Sơn là người đầu tiên trong xã đưa giống cam này về trồng tại địa phương. |
Năm nay, người trồng cam bù Sen ở Anh Sơn càng phấn khởi bởi cam ra những lứa quả đều, đẹp và giá cao hơn mọi năm. Thời điểm này, các vườn cam đều nhộn nhịp khách hàng khắp mọi nơi tìm về tận vườn để đặt hàng mua được cam chính gốc cho ngày Tết.
Vào những ngày cuối năm, chúng tôi đã có dịp đến thăm mô hình trồng Cam bù Sen của hộ gia đình ông Phạm Văn Ngọc thôn 2 xã Khai Sơn, người đầu tiên trong xã đưa giống cam này về trồng tại địa phương.
Tận dụng diện tích đất đồi sẵn có của gia đình, ông đã đầu tư vốn trồng cây cam bù Sen với hơn 1.000 gốc, trong đó hơn 300 gốc hiện nay đã cho thu hoạch, Nhờ biết áp dụng kỹ thuật nên vườn cam của gia đình thường được thu vào dịp Tết Nguyên đán nên rất thuận lợi cho việc tiêu thụ. Trong dịp tết năm ngoái, vườn cây cam bù cho thu hoạch hơn 6 tấn quả, với giá bán 70.000 đồng/kg, ông Ngọc thu về trên 400 triệu đồng.
"Năm nay mặc dù đầu vụ gặp thời tiết nắng hạn kéo dài nên năng suất cam có giảm hơn mọi năm. Tuy nhiên, sâu bệnh lại ít, giá cam cao nên tính ra người trồng cũng có khoản thu lớn từ vụ cam Tết. Thời điểm này, cam bù Sen được bán tại vườn với giá 80.000/kg, cao hơn nhiều so với các giống cam khác nhưng cũng rất dễ bán, bởi chất lượng thơm ngon" - ông Ngọc chia sẻ.
Năm nay, người trồng cam bù Sen ở Anh Sơn càng phấn khởi bởi cam ra những lứa quả đều, đẹp và giá cao hơn mọi năm. |
Những ngày này, vườn cam bù Sen gia đình chị Đậu Thị Giang ở thôn 9 xã Khai Sơn cũng bắt đầu tấp nập khách hàng đến đặt mua cam Tết. Hiện nay, toàn bộ diện tích của gia đình chị đầu tư trồng 400 gốc cam bù Sen trong đó có 150 gốc bắt đầu cho thu hoạch, còn lại là đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Vào dịp trước Tết hàng năm, loại cam này được nhiều khách hàng đến tận vườn để đặt mua về ăn, dâng cúng tổ tiên hoặc làm quà biếu.
Để cây cam phát triển bền vững, gia đình chị Giang đã tìm hiểu kỹ quy trình chăm sóc. Không chỉ chú ý đến khâu chăm sóc để vườn cam ngon, đẹp, đem đến cho người tiêu dùng những quả cam đảm bảo chất lượng nhất, mà để có sản phẩm cam sạch phục vụ Tết nguyên đán, gia đình chị đã áp dụng KHKT vào chăm sóc ngay từ đầu vụ, đồng thời chủ động chăm bón, tìm cách hãm cam chín muộn hơn để bán đúng vào dịp Tết.
Do năm ngoái mới cho thu hoạch bói, năm nay là năm đầu tiên cho thu hoạch rộ nên năng suất cam bù Sen của gia đình chị rất đạt, ước tính đạt từ 4- 5 tấn quả. Với giá tại vườn là 80.000 đồng/kg, cho gia đình chị Giang thu về trên 200 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi cây trồng sang trồng cây cam bù Sen nên đời sống thu nhập của gia đình chị đã khấm khá hơn trước.
Hiện nay, giống cam bù Sen được trồng chủ yếu ở xã Khai Sơn, Phúc Sơn và Hội Sơn huyện Anh Sơn với diện tích hơn 20 ha. Mùa thu hoạch cam bù Sen bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Giống cam bù Sen có nhiều đặc tính vượt trội so với các loại cam khác là quả tròn hơi dẹt, vỏ quả có màu đỏ cam, chất lượng quả có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, cùi tan giòn.
Giống cam bù Sen có nhiều đặc tính vượt trội so với các loại cam khác là quả tròn hơi dẹt, vỏ quả có màu đỏ cam, chất lượng quả có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, cùi tan giòn. |
Với chất lượng thơm ngon, nhiều năm qua cam bù Sen trở thành đặc sản quý của người dân Anh Sơn được khách hàng khắp nơi tìm đến đặc biệt là vào dịp Tết đến, hiện nay mỗi kg cam bù có giá giao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người nông dân. Trong niềm vui đón chào xuân mới Canh Tý 2020, bà con trồng cam bù Sen ở huyện Anh Sơn càng thêm phấn khởi hơn, đủ đầy hơn vì vụ cam năm nay đắt hàng, được giá cao.
Để bảo tồn, lưu quỹ nguồn gen quý của cây cam bù Sen, thời gian qua, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng tỉnh Nghệ An đã thành lập Hội đồng bình tuyển và cử chuyên gia, cán bộ kỹ thuật đi khảo sát thực tế tại huyện Anh Sơn từ đó để theo dõi, nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của giống cam Bù Sen để đăng ký công nhận cây đầu dòng nhằm phục vụ tốt cho việc nhân giống, mở rộng diện tích sản xuất tại địa phương bằng nguồn giống đảm bảo, có chất lượng cao. Đồng thời thành lập tổ hợp tác trồng cam bù Sen tại xã Khai Sơn với 13 thành viên tham gia qua đó tạo sự liên kết chặt chẽ trong quá trình tiêu thụ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ hợp tác.
Cận cảnh vườn cam bù ở Anh Sơn
Thái Hiền - Đài PTTH Nghệ An
إرسال تعليق