Ngân Huy là giống dưa lê siêu ngọt, được nghiên cứu, chọn tạo và đã được đưa vào sản xuất đại trà nhiều nơi ở Đài Loan (Trung Quốc) và các nước khu vực Đông Nam á. Khoảng 10 năm nay, Ngân Huy được trồng nhiều địa phương như: Kim Thành (Hải Dương), Đông Anh, Hoài Đức (Hà Nội), Tam Dương, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc)… Đây là một loại cây trồng luân canh với lúa, đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Vài năm nay, nhiều địa phương ở Ninh Bình, các hộ dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích đất canh tác, đưa các loại giống dưa lê (chủ yếu là dưa truyền thống) vào trồng. Cây dưa lê trở thành một trong những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế một số địa phương ở Gia Viễn, Yên Khánh, Kim Sơn...
Để phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh, gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân và thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm (Sở KHCN) đã và đang phối hợp với HTX Mai Sơn (Yên Mô) thực hiện đề tài khoa học “ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng cây dưa lê Ngân Huy theo tiêu chuẩn VietGap”.
Theo đó, mục tiêu của nhiệm vụ khoa học là xây dựng mô hình trồng 2 ha cây dưa lê Ngân Huy theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Mai Sơn; đồng thời tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng cây dưa lê Ngân Huy theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đại diện Ban quản trị HTX Mai Sơn, huyện Yên Mô, ông Tống Viết Vinh cho biết: Cánh đồng Phủ có chân đất vàn cao của các đội sản xuất 4, 5 và đội 6, từ 4 năm nay, HTX Mai Sơn chúng tôi đã trồng các loại cây rau quả các loại, trong đó có các loại dưa lê, dưa bở... truyền thống.
Tuy nhiên, vụ xuân hè năm nay, được sự hỗ trợ Sở KHCN xây dựng mô hình trồng dưa lê Huy Ngân theo tiêu chuẩn VietGap.... Tham gia nhiệm vụ khoa học này, với 2 ha dưa, HTX được hỗ trợ giống dưa lê Ngân Huy (222 gói giống và 2.000 kg phân NPK).
Cùng với đó, hàng tuần, theo định kỳ (1 tuần/1 lần), Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm cử cán bộ kỹ thuật xuống theo dõi sinh trưởng, phát triển và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
Ông Tống Viết Vinh cũng chia sẻ: Qua theo dõi vụ trồng, HTX thấy, giống dưa lê Ngân Huy sinh trưởng khỏe. Thời gian sinh trưởng chỉ từ 45 - 50 ngày (ngắn từ 10 -15 ngày so với dưa lê truyền thống). Hơn nữa, giống dưa này chịu nhiệt tốt, có thể trồng được nhiều vụ trong năm.
Dưa lê siêu ngọt được trồng phổ biến vào khoảng tháng 3 và thu hoạch rộ vào tháng 5 và tháng 6. Đặc biệt là vụ xuân, xuân hè và hè thu cho năng suất cao, chất lượng tốt. Quả dưa lê hình cầu, nặng khoảng 400g, vỏ màu trắng pha xanh nhạt, ăn ngọt, giòn và thơm.
Giống dưa lê siêu ngọt Ngân Huy cho bình quân năng suất đạt 700kg/sào. Trồng dưa thu nhập cao hơn 3- 4 lần trồng lúa, hoặc cây rau màu khác. Thời điểm này, vụ dưa lê giống Ngân Huy ở HTX Mai Sơn đã cho thu hoạch cơ bản xong. Năng suất bình quân ước đạt gần trên 500kg/sào.
Tuy chưa đạt năng suất theo lý thuyết, song vụ dưa này lại được giá (đạt 13 đến 15 nghìn đồng/kg), cao gần 2 lần so với vụ trước. Nên trừ chi phí, dưa lê Ngân Huy vẫn cho thu lãi từ 5-7 triệu đồng/sào. So sánh với trồng lúa, thì trồng dưa lê Ngân Huy cho thu nhập cao hơn từ 3 - 5 lần.
Cộng với kỹ thuật chăm sóc đơn giản nên ngày càng có nhiều hộ dân trồng loại dưa này. Bên cạnh những ruộng dưa Ngân Huy vừa thu hoạch xong, đã có luống dưa Ngân Huy vừa trồng mới gối vụ (dưa chiêm 2). Kết thúc vụ dưa chiêm 2 cũng là lúc các xã viên chuyển diện tích sang trồng cây vụ đông, với rau đậu, cây cải lá, su hào... phục vụ dịp Tết.
Cây dưa lê Ngân Huy của HTX Mai Sơn đã được các cấp, các ngành chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đang tiến hành hoàn thiện các văn bằng bảo hộ về sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của HTX. Đây sẽ là những tín hiệu rất vui của bà con xã viên và người tiêu dùng về tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy tìm nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...
Từ thành công trồng cây dưa lê Ngân Huy theo tiêu chuẩn VietGap của HTX Mai Sơn, sẽ nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh, tạo ra được những mô hình, giống cây trồng, có lợi thế so sánh. Qua đó góp phần chuyển dịch về cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững ở Ninh Bình.
DƯA LÊ SIÊU NGỌT NGÂN HUY VA.69
إرسال تعليق