Từng được đánh giá chất lượng ngang với vải thiều Thành Hà nhưng hiện nay, vải thiều Bát Trang, huyện An Lão đang dần bị thay thế bởi những nông sản khác.
Thương hiệu vải thiều Bát Trang không thua kém vải thiều Thanh Hà. |
Vải thiều là một trong những cây trồng chủ lực ở Bát Trang. Hơn 80% số hộ trong xã trồng vải. Theo nhiều người dân Bát Trang, cây vải được du nhập về xã đã hơn 50 năm nay và cũng trải qua một số giai đoạn thăng trầm. Lúc đầu, người dân trong xã chỉ trồng như một loại cây trong vườn. Sau đó, thấy chất đất ở đây phù hợp cho giống vải thiều, chất lượng vải không hề thua kém vùng vải thiều đặc sản Thanh Hà nên nhiều hộ gia đình trong xã dần chuyển sang trồng vải.
Người dân Bát Trang chủ yếu trồng 5 giống vải: trứng gai, trứng lì, u hồng, tàu lai và vải thiều. Trong đó, diện tích vải thiều lớn nhất. Vải trứng gai, trứng lì, u hồng, tàu lai thu hoạch sớm từ đầu đến giữa tháng 4 âm lịch cũng là mùa chim tu hú kêu, nên còn được gọi vải tu hú. So với vải thiều, vải tu hú tuy năng suất cao, nhưng kém về độ ngon ngọt.
Vải thiều Bát Trang được đánh giá "một 9 một 10" với vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) bởi quả mọng, to, tròn, ngọt và thơm. Quả vải ở đây được thị trường Hải Phòng và nhiều địa phương bạn rất ưa chuộng. Một phần sản lượng vải hàng năm được xuất khẩu sang Trung Quốc, một phần người dân thường sấy khô, tiêu thụ được quanh năm.
Nhờ cây vải thiều, nhiều gia đình tại xã này có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi mùa vải. Khi vải Thanh Hà bắt đầu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vải thiều Bát Trang được kỳ vọng sẽ “thế chân” vải Thanh Hà ở thị trường trong nước. Nhưng cũng giống như bất kỳ loại nông sản nào khác, điệp khúc “được mùa mất giá” không là ngoại lệ với vải thiều Bát Trang.
Xã Bát Trang hiện trồng gần 160ha vải được quy hoạch. Đây là cây trồng từng giúp người dân trong xã xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên đến nay, gần 1 nửa diện tích chính vụ đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại nông sản khác.
Nhiều năm nay, cây vải thiều ở đây hay mất mùa, năng suất, chất lượng đều giảm và giá cả rất bấp bênh. Vì thế, đã có rất nhiều hộ trồng vải ở Bát Trang chặt bỏ những vườn vải hàng mấy chục năm tuổi của mình để trồng loại cây khác, nhiều nhất là thanh long. Theo ông Nguyễn Bảy, xã Bát Trang, gia đình ông trước đây chủ yếu trồng loại cây này, sau do giá vải hàng năm không ổn định nên gia đình đã chặt bớt một nửa và chuyển sang các loại cây khác.
Nhiều nhà vườn tại xã Bát Trang đã đầu tư chuyển đổi sang trồng thanh long. Đầu tư không hề nhỏ nhưng có hiệu quả hay không thì chưa ai dám khẳng định. Anh Diễm – một chủ vườn tại thôn Trực Trang ngao ngán: Năm nào cũng điệp khúc được mùa mất giá nên người nông dân không thể theo cây vải mãi được. Gia đình chuyển sang trồng thanh long và phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Cũng theo anh Diễm, đến nay, những hộ nông dân như gia đình anh vẫn chưa nhận được sự quan tâm hỗ trợ đúng mức của chính quyền địa phương với mô hình cây mới này.
Chia sẻ về tình trạng chuyển đổi cây trồng của người dân, lãnh đạo xã Bát Trang cho biết, bà con nông dân nhận thấy chuyển đổi sang các loại cây khác có hiệu quả kinh tế thì tự chủ động chuyển đổi. Còn về phía xã không có chủ trương động viên bà con chuyển đổi từ vải sang các loại cây khác trồng khác. Cũng theo vị lãnh đạo này, khó có thể can thiệp vào việc này, bởi hiệu quả hay không chính người dân nắm bắt và tự chuyển đổi.
Khác với tâm tư của những người “bỏ vải”, anh Soạn – chủ vườn vải rộng hơn 1ha tại thôn Quán Trang hiện nay vẫn kiên trì với cây vải. Mỗi năm anh thu nhập hàng trăm triệu từ loại cây này. Vụ vải sớm năm nay được mùa, bán tại vườn cũng được 40 nghìn đồng/cân. Theo anh Soạn, ngay cả khi vải thiều mất mùa thì thu nhập so với trồng lúa cũng cao gấp vài chục lần. Trồng các loại cây ăn quả khác trước mắt có thể cho thu nhập cao hơn nhưng chi phí đầu tư lại tốn kém hơn.
Vải thiều Bát Trang đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu. Không chỉ chính quyền địa phương mà ngay cả những người nông dân vẫn đang kiên trì trồng vải, tiếp tục xây dựng thương hiệu và quy trình phân phối để cây vải thiều vẫn là một trong những loại cây thế mạnh của huyện An Lão.
Vải Bát Trang mất mùa 90% | VTC16
Đăng nhận xét