Đến xã An Hòa, huyện Tuy An không ai không biết đến ông Nguyễn Thế Thoại ở thôn Tân Định bởi ông là người “dám nghĩ, dám làm” khi khai phá đất đồi lẫn đá để trồng cây sơ-ri. Đây là mô hình trồng sơ-ri đầu tiên tại xã và cũng là mô hình điểm của tỉnh Phú Yên.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thoại nhớ lại năm 2005, gia đình ông chủ yếu trồng lúa và rau xanh, thu nhập không đủ ăn lấy đâu mà dư dả. Gia đình ông có mảnh đồi bỏ hoang, đất sỏi cốm, cỏ dại mọc um tùm. Ông Thoại đã thử nghiệm trồng rất nhiều loại cây nhưng ông nhận thấy cây sơ-ri là cây trồng phát triển và thích hợp với loại đất sỏi cốm này hơn cả. Thế là ông mạnh dạn đầu tư trồng hơn 200 gốc cây sơ-ri.
Sau gần 02 năm thì lứa sơri đầu tiên đã ra hoa, kết quả cho trái bói nhưng năng suất chưa cao do ông chưa có kinh nghiệm chăm sóc nhiều. Rồi ông Thoại mày mò học hỏi , tìm tòi đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Hiện nay, vườn sơ-ri của gia đình ông đã được gần 12 năm tuổi, vườn cây cho trái 3 lần/năm. Mỗi lần ông thu hoạch được gần 1,5 tấn, thu hoạch kéo dài khoảng từ 5-7 ngày phải thuê công lao động để hái quả, với giá bán dao động từ 15.000-18.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm vườn sơ-ri cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng, là khoản thu nhập khá cao đối với người dân nơi đây.
Cũng theo ông Thoại, cây sơ-ri dễ trồng trên nhiều loại chân đất, tuy nhiên chất lượng quả ngon hay không ngon phụ thuộc nhiều vào loại đất. Qua nhiều năm thử nghiệm thì chất lượng quả sơ- ri trồng trên đất sỏi cốm là ngon nhất, quả vừa ngọt mà lại cứng chứ không mềm như trái sơ-ri trồng trên chân đất khác. Vì vậy, sơ-ri nhà ông bán được giá mà được người tiêu dùng ưa thích.
Ông Thoại phấn khởi cho hay, so với các loại cây ăn quả khác thì cây sơ ri tuy giá trị kinh tế không cao nhưng có phần ổn định hơn. Chia sẻ kinh nghiệm trồng, ông cho hay cây sơ ri là cây có bộ rễ ăn nông nên phải thường xuyên bón phân chuồng. Ngoài ra từ ngày dự lớp tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ với chế phẩm Trichoderma do Trung tâm Khuyến nông tổ chức, ông đã ủ và bón cho cây và thấy rất hiệu quả. Ông Thoại cũng đầu tư hệ thống phun sương tự động giúp vừa tiết kiệm công lao động và nguồn nước tưới. Sau khi thu hoạch xong, tiến hành cắt tỉa chứ không cho cây vươn cao vì như thế rất khó hái quả.
Trước sự thành công của gia đình ông Thoại, nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư vào loại cây này. Hiện nay, quả sơ-ri được thị trường ưa chuộng nên có đầu ra ổn định.
Ngoài thu nhập chính từ quả sơ-ri gia đình ông Thoại còn nuôi 04 con bò cái lai sinh sản. Từ nguồn phân bò này, ông nuôi trùn quế để nuôi 100 con gà thả vườn/lứa nuôi, cho hiệu quả rất cao. Mỗi năm thu nhập của gia đình ông khoảng 180 triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình ông Thoại đã vươn lên khá giả, góp phần vào phát triển nền kinh tế ở vùng đất đầy nắng và gió này.
Đăng nhận xét