Tân Minh vốn là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Thanh Sơn, nằm cách xa trung tâm huyện, đường giao thông khó khăn lại có đông người Mường sinh sống. Từ khi thấy được hiệu quả kinh tế của cây chuối phấn vàng vốn có trên địa bàn, nhân dân cùng với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, chính quyền đã biến đó thành cây “bảo bối”, giúp họ thoát nghèo.
Theo như lời của bà con địa phương thì chuối phấn vàng có mặt ở Tân Minh từ những ngày đầu người Mường đến đây lập ấp, dựng bản. Tuy nhiên, người dân coi việc trồng chuối khi đó chỉ là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, là lương thực “cứu cánh” mỗi khi giáp hạt. Khoảng 10 năm về trước, cây chuối chỉ được trồng lẻ tẻ trên núi mặc dù được đánh giá là cây đặc sản có chất lượng tương đương như chuối ngự Hà Nam. Thế rồi cây chuối phấn vàng cũng có “cơ hội” “vượt biên”, ấy là khi các tuyến đường được đầu tư mở vào Tân Minh. Cùng với sự hanh thông của đường sá, xe cộ là những chuyến hàng chở đầy chuối của các thương lái từ Hà Nội, Hà Tây (cũ) gom đem về xuôi bán. Nhờ đó, chuối phấn được nhiều người biết đến và thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.
Nhiều năm về trước, Tân Minh là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%, đời sống bà con khó khăn, chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng. Khi thị trường tiêu thụ chuối phát triển, người dân mới thấy hiệu quả và lợi ích từ cây chuối. Ông Triệu Xuân Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2007, UBND huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo Ban Quản lý Chương trình 135 huyện triển khai chương trình Mở rộng diện tích cây chuối phấn vàng trên địa bàn xã Tân Minh. Ban đầu, dự án được triển khai trên tổng diện tích gần 40ha, tập trung chủ yếu ở khu Dớn và khu Đồng Giao với sự tham gia của gần 120 hộ. Sau 3 năm triển khai, trừ chi phí, mỗi hộ tham gia dự án có thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/ha/năm”. Thấy được hiệu quả từ trồng chuối phấn vàng, bà con Tân Minh đã chủ động mở rộng diện tích.
Trong bạt ngàn mầu xanh ngắt, những chiếc lá chuối ngửa mặt đón nắng trời cùng lúc lỉu buồng, quả; tôi tìm vào nhà ông Hà Văn Tuấn ở khu Dớn, một trong những người đi tiên phong trong việc phát triển cây chuối và được bà con nơi đây mệnh danh triệu phú do thu nhập từ cây trồng này mang lại. Tiếp chúng tôi trong cơ ngơi khang trang, cùng với những vật dụng hiện đại cùng niềm phấn khởi, ông Tuấn chia sẻ: Nơi đây là địa hình núi nhiều đá rất kén cây trồng nên chỉ có thể trồng cây lâm nghiệp xen cây chuối. Để cây chuối phấn vàng ra buồng, quả to, mã quả đẹp cần lưu ý bón thêm phân chuồng và phát quang cỏ quanh gốc. Cây chuối dễ trồng, dễ sống, không phải đầu tư nhiều công chăm sóc. Tuy là ít bị sâu bệnh nhưng không phải không có, đã có nhiều hộ gia đình trong xã gần như bỏ cuộc hoặc phải trồng đi trồng lại nhiều lần bởi chưa biết cách “đối phó” với sâu bệnh. Tuy nhiên, bà con được hỗ trợ phân chuồng, vôi bột khử trùng, thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thực hiện và chuyển giao kỹ thuật từ Dự án; lại được Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, cộng thêm kinh nghiệm của người dân địa phương đã giúp họ “khống chế” được sâu bệnh, dần dần yên tâm sản xuất, không ngừng mở rộng diện tích trồng.
Đánh giá về tính hiệu quả kinh tế mà cây trồng này mang lại, nhiều người dân cho hay: Hiện tại, ước tính trung bình, một buồng chuối phấn vàng từ 25 - 30kg, có buồng lên tới trên 40kg. Chỉ với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, thì trừ chi phí mỗi ha chuối cũng đã cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Nhờ trồng chuối, nhiều gia đình trong xã đã có tiền mua sắm vật dụng cho gia đình và gửi tiết kiệm. Ở Tân Minh, hộ có diện tích chuối lớn nhất xã là trên 2ha, ít cũng được dăm sào. Để tiện đầu ra cho chuối quả, trong xã đã có một vài đại lý chuyên thu gom chuối cho bà con. Chuối vừa trổ buồng đã được đánh dấu, đợi chuối già là gom cho đại lý. Bởi vậy, bà con không phải lo khâu tiêu thụ. Mà thu nhập từ chuối, tính ra hơn hẳn trồng lúa và trồng rừng. Hơn nữa cây chuối phấn vàng ít bị gián đoạn về thời vụ, mùa đông cũng như mùa hè đều cho mức thu hoạch suýt soát nhau nếu như được chăm sóc tốt.
Ngoài đem lại thu nhập cho dân, với phong trào khôi phục lại cây đặc sản của địa phương, hiện nay cây chuối phấn vàng ở Tân Minh đang được thị trường ưa chuộng. Theo vòng quay của các xe trọng tải lớn, đặc sản chuối phấn vàng của người Mường Tân Minh đã vào Nam và đi khắp các tỉnh miền Bắc. Giờ đây trên khắp đồng đất của xã Tân Minh đâu đâu cũng thấy sức vươn của chuối phấn vàng, ngoài sản phẩm chính là quả các hộ dân còn thu được sản phẩm từ hoa, thân và lá của cây chuối để phục vụ chăn nuôi. “Tiếng lành đồn xa”, việc xóa nghèo từ cây chuối đã có hiệu quả của Tân Minh nên thời gian vừa qua các xã cận kề là Tân Lập, Khả Cửu, Thượng Cửu cũng học tập kinh nghiệm và đưa cây chuối phấn vàng vào trồng thay thế các cây kém giá trị khác và bước đầu thu được kết quả.
Để chuối phấn thực sự trở thành “bảo bối” “nhả vàng” hàng năm, đưa bà con thoát nghèo; thời gian tới chính quyền xã Tân Minh tiếp tục có định hướng khuyến khích cho các hộ dân trên địa bàn tiếp tục duy trì và phát triển. Về lâu dài, địa phương hướng đến việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu riêng cho chuối phấn vàng và tiếp tục “di thực” sang các địa bàn lân cận, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trồng chuối thu bạc tỷ trên đất bạc màu ở Thanh Sơn - Phú Thọ
Đăng nhận xét