An Giang không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng phong cảnh hữu tình, nên thơ với đồng bằng trù phú trải dài, dãy thất sơn hùng vĩ với nhiều truyền thuyết và những loại trái cây rừng “sạch” đang kéo chân khách du lịch.
Trái trường hiện đang là món hàng hot được nhiều phượt thủ khi đến vùng Bảy Núi An Giang chia sẻ trên mạng xã hội. Đây là loại trái cây rừng, trên 30 năm mới cho trái. Cây mọc nhiều ven chân núi Phụng Hoàng Sơn, dọc hương lộ 15 từ Thị trấn Tri Tôn qua các xã như Núi Tô, An Tức, Ô Lâm, Cô Tô của huyện Tri Tôn. Vào mùa trái chín đã tạo thêm thu nhập đáng kể cho bà con Khmer vùng núi.
Được sự giới thiệu của cư dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu vườn tạp ven triền núi của anh Lê Minh Hiếu, ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang một ngày cuối tháng 5. Cũng hơi khó nhận ra vì con đường ngoằn nghèo, lại nằm khuất sau những cây tầm vong, cây điều. Nhưng khi đến nơi ai cũng cảm thấy sản khoái. Trong tiếng chim kêu hòa quyện với bản hòa tấu của những chú ve sầu, được hít thở không khí trong lành, khám phá và thưởng thức trái cây rừng càng làm dịu đi cái nóng oi bức của mùa hạ vùng núi.
Cả nhóm ai cũng đều ngạc nhiên khi xung quanh một màu xanh, chỉ có duy nhất một cây cổ thụ xen lẫn tán lá xanh um là những chấm đỏ, vàng, những trái trường như lung linh dưới ánh nắng và từng cơn gió nhẹ. Sau khi thương lượng giá cả với chủ vườn, trong nhóm chúng tôi cử ra một người biết leo cây và có sức mạnh để trèo lên cây. Mới có phân công xong thoáng một cái thì bạn ấy đã trèo lên tới trên, nhanh tay chặt từng nhánh thả xuống. Ở dưới đất từng thành viên lại háo hức chờ đợi. Khi nhánh cây được hạ xuống đất tất cả mọi người chụm lại bẻ từng chùm trái trường chín đỏ bỏ vào miệng thử nếm mùi vị xem ra sao. “Ôi…một vị chua chua không thể tả, phải có bọc muối ớt ở đây thì hay biết mấy”, một thành viên trong nhóm lên tiếng.
Với 50.000 đồng chúng tôi mua được 2 nhánh tương đối lớn, mất chừng 15 phút cũng lặt ra được khoảng hơn 6 kg. Điều đặc biệt là do thuộc loại cây tán rộng, lâu năm nên chặt nhánh, cây cũng tiếp tục mọc ra nhánh khác sum xuê hơn, và mất khoảng thời gian 3 năm sinh trưởng các nhánh sẽ cho hoa kết trái.
Anh Lê Minh Hiếu, ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, chủ nhân cây trường cho biết: “Cây trường này đã được trên 30 năm tuổi, năm nay mới cho trái lần đầu tiên, có người đến mua hết toàn bộ trái trên cây với giá 15.000 đồng/kg. Người ta mua về bán lẻ lại tại chợ. Ba năm mới có trái một lần. Từ khi ra hoa đến trái chín khoảng 4 tháng. Trái chín màu đỏ rất đẹp, to bằng đầu ngón tay cái. Loại trái này chua chua ngọt ngọt, trái sống thì chua hơn, còn trái chín có vị ngọt. Thường ăn chấm muối ớt hay lột vỏ ngâm muối ớt và đường”.
Cũng theo anh Hiếu, mỗi cây trường cho bình quân khoảng 60 đến 70 kg trái, trái nhỏ bằng đầu ngón tay cái, khi chín vỏ đỏ, dân địa phương gọi là trái vải rừng. Số trái này được anh bán toàn bộ cho bạn hàng với giá 15.000 đồng/kg. Sau đó bạn hàng bán lại tại chợ Tri Tôn hay bán dạo cho khách du lịch giá dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg.
Đối với những cây trường mọc trên núi, đa số bà con dân tộc Khmer săn tìm và bẻ về bán cũng kiếm thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Ngoài ra một số bạn trẻ cũng thu mua lại và chào hàng bán cho khách ở Cần Thơ hay TP. Hồ Chí Minh với giá trên 100.000 đồng/kg. Đây là loại đặc sản tự mọc, không chăm sóc, nhờ lượng nước mưa thiên nhiên mà ra hoa kết quả.
Chia tay với anh Hiếu, nhóm chúng tôi tiếp tục hành trình dọc hương lộ 15 khám phá cảnh đẹp của vùng Bảy Núi, thỉnh thoảng bắt gặp dọc đường những cây trường đang đỏ rực màu trái chín. Càng nhìn càng cảm thấy thêm yêu quê hương An Giang, có những cảnh đẹp và những món quà thiên nhiên ban tặng cho con người. Chỉ một điều mong muốn rằng con người phải biết khai thác và bảo tồn để những đặc sản vươn xa.
Hiện huyện Tri Tôn đã ban hành nghị quyết phát triển du lịch giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng các sản phẩm du lịch, huyện cũng có giải pháp phát triển các món ăn, trái cây sản, nhằm thu hút và kéo chân du khách.
Với đặc sản các loại trái cây tự nhiên xứ núi như trâm, trường, dâu xanh, dâu vàng, mãng cầu ta, vú sữa…Hy vọng huyện sẽ hình thành nên những khu du lịch sinh thái theo kiểu Homestay để thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Độc đáo trái trường rừng (vải rừng), 30 năm mới cho trái một lần
إرسال تعليق