Cây vải đã bén rễ trên vùng đất Đắk Lắk và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với lợi thế chín sớm, chất lượng vải thơm ngon không thua kém gì vải ở các tỉnh phía Bắc, một số địa phương trong tỉnh đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới thành lập hợp tác xã, xây dựng thương hiệu vải chín sớm Đắk Lắk.
Tại các vùng trồng vải thiều trên địa bàn huyện Krông Pắc, nông dân hiện đang tất bật thu hoạch những lứa vải đầu tiên. Nhờ thời tiết thuận lợi, vải được mùa và giá cả cao hơn mọi năm nên ai cũng phấn khởi. Những ngày này, vườn vải rộng 3 ha của ông Nguyễn Trọng Hải, ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) luôn nhộn nhịp khi hàng chục nhân công đang thu hoạch, đóng vải vào thùng để xe tải chở về các chợ đầu mối, siêu thị của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam... Ông Hải cho biết, vườn của ông hiện có các giống vải U Hồng, Bình Khê… chín sớm hơn vải ngoài Bắc khoảng 1 tháng, chất lượng thơm ngon nên sức tiêu thụ mạnh.
Anh Nguyễn Duy Tân, ở thôn 12A, xã Ea Kly là người tiên phong đưa giống vải u trứng từ quê hương Thanh Hà, Hải Dương vào trồng tại xã Ea Kly. Gia đình anh hiện có 220 cây vải từ 15 đến 20 năm tuổi được trồng trên diện tích 1ha. Anh Tân cho biết, năm nay vườn vải nhà anh ước tính thu hoạch được hơn 15 tấn quả. So với mọi năm, vải năm nay được mùa, được giá. Từ đầu vụ, thương lái từ Lâm Đồng đã đến đặt cọc mua cả vườn vải với giá 50.000 đồng/kg. Khoảng mười ngày nay, gia đình anh đã thu hoạch đợt vải chín đầu tiên để giao cho khách.
Không riêng gì gia đình anh Tân, vải hiện đang là cây trồng được nhiều người dân tại huyện Krông Pắc lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ cây vải mà nhiều hộ gia đình nghèo khó đã vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Gia đình ông Nguyễn Văn Niên ở thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng là một ví dụ. Ông Niên hiện có 10 gốc vải được trồng trên hơn 1 sào đất. Năm ngoái, gia đình ông thu được gần 80 triệu đồng từ vườn vải. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, vải ra hoa đậu quả tốt nên dự kiến năng suất sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái. “Những năm gần đây nhờ giá vải tăng cao mà gia đình tôi đã thoát được cảnh nghèo khó, nuôi được các con ăn học. Ngoài ra, tôi còn mua được thêm 5 sào đất rẫy và trả hết nợ nần trước kia. Vụ này vải được mùa, giá lại cao hơn nhiều so với mọi năm nên tôi rất phấn khởi”, ông Niên chia sẻ.
Ông Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc cho biết, vải thiều được nông dân các xã Ea Kly, Ea Kuăng mang từ “thủ phủ” Bắc Giang, Hải Dương vào trồng cách đây khoảng 30 năm trước. Vải là loại cây trồng rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên, là hướng sản xuất mới cho các hộ gia đình làm nông nghiệp. So với các cây trồng khác thì cây vải dễ trồng, dễ thu hoạch, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Theo đánh giá, cây vải trồng trên địa bàn huyện Krông Pắc có mùi vị thơm ngon, cơm dày không thua kém vải miền Bắc, trong khi đó lại chín sớm khoảng hơn 1 tháng nên dễ bán, giá thành cao, được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay trên địa bàn huyện Krông Pắc có khoảng 20 ha vải được trồng chủ yếu tại các xã Ea Kly, Ea Kuăng và thị trấn Phước An. Ông Đoàn Doãn Toản cho hay, Phòng Nông nghiệp cùng các ngành chức năng đang tham mưu cho UBND huyện có hướng hỗ trợ về vốn và khoa học kỹ thuật, đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích trồng vải tại xã Ea Kly, tạo thêm thế mạnh phát triển cây ăn trái cho ngành Nông nghiệp huyện.
Ea Kar là huyện có diện tích trồng vải lớn nhất của tỉnh với trên 200 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 120 ha. Đặc biệt hơn, vải ở Ea Kar chín sớm hơn so với vải ở miền Bắc khoảng 1 tháng, cơm dày, thơm ngon nên được nhiều khách hàng ưa chuộng, giá bán cao. Vì vậy, cây vải được nhiều người dân chọn để phát triển kinh tế. Ông Đỗ Văn Luyến ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) cũng đang tất bật thu hoạch vải để vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Năm 2007, ông Luyến đưa giống vải thiều Bắc Giang vào trồng trên vùng đất Ea Kar. Sau 3 năm trồng thử nghiệm, cây vải phát triển tốt. Năm 2011, ông Luyến quyết định mở rộng diện tích trồng vải lên gần 4 ha, với 700 cây. Hiện nay, mỗi năm vườn vải của gia đình ông Luyến cho thu hoạch trung bình 20 tấn, giá bán tại vườn từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, mỗi vụ vải ông thu về khoảng 1 tỷ đồng. Không chỉ bán quả, ông Luyến còn chiết cành để bán cây giống. Chỉ riêng năm 2017, ông đã xuất bán 5.000 cây giống. Để sản xuất vải thiều bền vững, ông Luyến đang liên kết với những hộ trồng vải trên địa bàn thành lập hợp tác xã làm cầu nối cho việc tiêu thụ sản phẩm. Ông Luyến cho hay: “Ý tưởng của tôi là vận động những hộ trồng vải để thành lập một hợp tác xã, hướng tới việc phát triển cây vải bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Theo ông Trần Văn Đông, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar: “Trong những năm qua, việc trồng vải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Định hướng của huyện là sẽ xúc tiến xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng vải nhằm hướng sản xuất vải theo chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao giá trị của vải chín sớm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Huyện cũng có các chương trình hỗ trợ về xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường để bảo đảm vải bán ra có giá trị cao và sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận…”.
Cây vải trồng ở Đắk Lắk có lợi thế là thời điểm đậu quả và chín sớm hơn 1 tháng so với ngoài miền Bắc nên bán rất được giá. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều mô hình trồng thử nghiệm vải ở một số địa phương và gửi sản phẩm cho Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây giống (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đánh giá, thì chất lượng không thua kém so với các giống vải thiều chính vụ ngoài Bắc. Bên cạnh đó, nông dân trong tỉnh cũng nắm bắt và thực hiện tốt quy trình trồng vải, kích thích ra hoa đúng thời điểm phù hợp (cuối tháng 12) để cây cho ra quả vào tháng 5, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây chính là lợi thế để xây dựng thương hiệu vải chín sớm Đắk Lắk.
Tuy nhiên, hiện nay người trồng vải trên địa bàn tỉnh chưa có sự liên kết, tự tìm nơi tiêu thụ riêng nên hiệu quả chưa cao. Do đó, vấn đề mở rộng và phát triển vùng chuyên canh vải để hướng đến xây dựng thương hiệu vải chín sớm Đắk Lắk nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển là rất cần thiết. Để thực hiện được điều đó, người trồng vải cần liên kết lại với nhau, phối hợp với chính quyền địa phương tham gia đăng ký thương hiệu; tuân thủ các quy định chặt chẽ về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản quả vải... Nếu thực hiện được điều này và sản phẩm vải chín sớm được đóng gói, có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý sẽ nâng cao thương hiệu, giá trị và hướng đến sự phát triển bền vững của cây vải chín sớm Đắk Lắk…
Hiện toàn tỉnh có 336 ha vải, trong đó 245 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng hơn 2.100 tấn, gồm các giống vải như: U Hồng, U Trứng, Phúc Hòa, Hồng Quyết, Bình Khê…, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc
EA KAR ĐƯỢC MÙA VẢI THIỀU
Đăng nhận xét